Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề thi môn văn tốt nghiệp THPT năm nay?
- Tôi thấy đề văn năm nay ra rất hay, không khó với học sinh kể cả những học sinh có học lực trung bình. Đặc biệt là câu hỏi nghị luận, đưa tấm gương học sinh Nguyễn Văn Nam vào đề thi để các em có cơ hội bày tỏ quan điểm, chính kiến cá nhân.
Theo hướng dẫn chấm thi của Bộ, năm nay, lần đầu tiên đáp án môn văn đưa ra lưu ý nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Ông nhận xét thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, bất cứ đề thi nào đưa ra cũng phải có một barem chuẩn. Kể cả những câu mở cũng cần phải có những đáp án cụ thể. Đã có đề thi là phải có đáp án. Nếu không xây dựng một đáp án cụ thể, chính xác sẽ rất khó cho cán bộ chấm thi.
Đáp án cũng khẳng định, câu trả lời “tiêu cực, lệch lạc thì không cho điểm”. Theo ông, cụ thể trong câu hỏi này, thế nào là lệch lạc, tiêu cực?
- Khi đã đưa ra câu hỏi này, mục đích của người ra đề là hướng thí sinh đến những hành động tốt, vì mọi người. Em học sinh Nam đã không màng đến tính mạng để cứu người, rõ ràng đây là việc làm tốt trong xã hội ngày nay và khuyến khích các em học tập, noi theo.
Còn nếu có thí sinh cho rằng đây là hành động tầm thường, dại dột thì chứng tỏ bản thân thí sinh ấy có những tư tưởng, suy nghĩ cũng như đạo đức lệch lạc. Một khi đã có những ý nghĩ trái với chuẩn mực đạo đức thì dù em đó có lập luận chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là bảo vệ cho cách nghĩ và lối sống bảo thủ, ích kỷ.
Nhưng như vậy liệu có công bằng không khi đề bài yêu cầu các em nêu suy nghĩ riêng, nhưng nếu nói khác thì lại là “suy nghĩ lệch lạc”?
- Tôi nghĩ vẫn rất công bằng, bởi đề bài cho các em nêu lên quan điểm nhưng đó phải là suy nghĩ tích cực. Tự do trong khuôn khổ chứ không thể để các em thích nói gì cũng được.
Xin cảm ơn ông!
Vân Nga (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.