Một cuộc thi lớn của cộng đồng LGBT
Trên thế giới có rất nhiều cuộc thi nhan sắc. Mỗi năm, công chúng đều nhìn thấy vài cuộc thi được tổ chức, nhưng nổi bật nhất vẫn là "bộ tứ": Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất. Sở dĩ những cuộc thi này luôn nhận được quan tâm lớn là nhờ vào tuổi đời, quy mô tổ chức và sự quy củ.
Miss International Queen – Hoa hậu chuyển giới Quốc tế ra đời vào năm 2004 và tính cho đến hiện tại, đây là cuộc thi sắc đẹp duy nhất dành cho người chuyển giới. Được tổ chức thường niên và có tiêu chí rõ ràng, Hoa hậu chuyển giới Quốc tế mặc nhiên trở thành một cuộc thi uy tín và có quy mô.
Hương Giang Idol trở thành Hoa hậu thứ 15 của "Hoa hậu chuyển giới Quốc tế".
Tiêu chí để tham dự cuộc thi phải là người chuyển giới từ nam sang nữ ở độ tuổi từ 18 đến 35. Tất cả các thí sinh đều không có hình ảnh khiêu dâm được phát tán cũng như không vướng vào bê bối tình dục. Thí sinh đăng quang sẽ được trao vương miện và nhận một phần thưởng trị giá 12.500 USD.
Ngoài việc thi đấu nhan sắc, Hoa hậu chuyển giới Quốc tế được ủng hộ vì đây là một cách để nói lên tiếng nói của những người thuộc cộng đồng LGBT. Để tiếp thêm sức mạnh cho những ai muốn tìm lại con người thật của mình.
Vẫn bị xem là thiểu số so với thế giới
Tuy là một cuộc thi lớn và uy tín, thế nhưng xét cho cùng, Hoa hậu chuyển giới Quốc tế chỉ có quy mô trong một cộng đồng nhỏ với mỗi năm thi chỉ có tầm trên dưới 30 thí sinh.
Các thí sinh được chọn từ cuộc thi chuyển giới trong nước cho đến những thí sinh chưa hề qua một cuộc thi nào như đại diện Việt Nam năm nay – Hương Giang Idol. Nữ ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài cũng từng chia sẻ việc được ban tổ chức của cuộc thi Hoa hậu chuyển giới Quốc tế sang tận Việt Nam mời cô dự thi những năm 2006-2007.
Dàn thí sinh của "Hoa hậu chuyển giới 2018" chỉ vỏn vẹn 27 thí sinh.
Độ tuổi của các thí sinh tham dự cũng dao động khá lớn từ 18 đến 35. Điều đó cho thấy sự hạn chế về mặt “tài nguyên” của cuộc thi này. Và hơn hết, trên các chuyên trang sắc đẹp như Global Beauties hay Missosology về việc đánh giá các cuộc thi nhan sắc lớn như: Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Nữ hoàng Du lịch Quốc tế (Miss Tourism Queen International), Hoa hậu Trái Đất (Miss Earth), Hoa hậu Hoà bình Quốc tế (Miss Grand International), Hoa hậu Liên lục địa (Miss Intercontinental), Hoa hậu Hoàn Cầu (Miss Globe), chưa từng có sự có mặt của Miss International Queen.
Từ những dẫn chứng đó, suy ra rằng tính cạnh tranh của Hoa hậu chuyển giới Quốc tế không cao bằng những cuộc thi nhan sắc thuần túy khác khi mỗi năm có hàng ngàn cô gái đăng ký dự thi các cuộc thi cấp quốc gia chỉ để có cơ hội 1 lần chạm đến vương miện Quốc tế.
Hào quang của chiếc vương miện
Hoa hậu chuyển giới Quốc tế được tổ chức đến nay đã 15 năm với 15 nhan sắc đăng quang nhưng trên thực tế, ngoài Hoa hậu đầu tiên là người đẹp Nong Poy thì tất cả những người đẹp khác đều “biến mất” một cách khó hiểu sau khi đăng quang.
Truyền thông và các nhà tài trợ hầu như không quan tâm đến các người đẹp chuyển giới, thế nên niềm vui chiến thắng của họ không kéo dài. Jiratchaya Sirimongkolnawin – Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2017 từng chia sẻ trên sóng truyền hình Thái Lan rằng: “Mọi thứ với tôi rất bình thường. Tôi không cảm nhận được hào quang của chiếc vương miện và phải trở về cuộc sống bình thường ngay sau đó”.
Hoàn cảnh của Sorrawee "Jazz" Nattee – "Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2009" khiến nhiều người suy ngẫm.
Một trường hợp khác là Sorrawee "Jazz" Nattee – Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2009. Cô đăng quang và lặn mất tăm ngay sau đó. Năm 2013, cô xuất gia và trở về làm đàn ông.
Việc Hương Giang Idol đăng quang Hoa hậu chuyển giới Quốc tế 2018 được công chúng và truyền thông săn đón. Nhưng nhìn theo hướng khách quan, thông tin về việc đăng quang của Hương Giang trên các trang tin, truyền thông quốc tế tương đối hạn chế.
Nếu nói về vương miện Hoa hậu, trước đó Khánh Ngân cũng đã đoạt được vương miện của "Hoa hậu Hoàn Cầu" (Miss Globe) - một cuộc thi được đánh giá cao.
Các trang mạng nổi tiếng của Anh, Pháp, Singapore đều chỉ có bài đăng với rất hạn hẹp thông tin và hình ảnh được cập nhật. Trang tin tức Daily Mail nổi tiếng của Anh chỉ có một bài viết ngắn với tiêu đề: "Thí sinh Việt Nam đăng quang hoa hậu chuyển giới ở Thái". Hình ảnh của Hương Giang cũng chỉ xuất hiện 1 lần duy nhất trong bài.
Nhìn chung, việc Hương Giang đăng quang dù sao vẫn là thứ nước giúp giải cơn khát vương miện sắc đẹp quốc tế của công chúng Việt Nam?
Hương Giang có phải là Hoa hậu chuyển giới đẹp nhất qua các mùa thi?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.