Hướng tới cơ giới hóa đồng bộ

Phương Linh Thứ hai, ngày 30/06/2014 12:24 PM (GMT+7)
Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề “Phát triển tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp”.
Bình luận 0

 Theo báo cáo của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến năm 2013, số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng trưởng bình quân 10%, một số loại máy có mức tăng nhanh như máy gặt lúa tăng 25,6 lần so với năm 2006, máy phun thuốc trừ sâu tăng 5,8 lần so với năm 2006; bơm nước dùng sản xuất nông nghiệp tăng 1,2 lần…

Tại diễn đàn, các đại biểu đều cho rằng: CGH là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp giảm được sức lao động, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. Anh Nguyễn Văn Lợi- Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, Huyện Tiên Du, Bắc Ninh chia sẻ:

Được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh giới thiệu tham gia lớp tập huấn đào tạo tiếp cận  CGH trong sản xuất lúa, tôi đã cùng 40 hộ thành lập tổ hợp tác, với 8 máy làm đất, 3 máy gặt, 2 máy kéo.

Tham gia mô hình, chúng tôi được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 100 triệu/máy gặt Nhật, và 50% khi mua máy Trung Quốc. Mô hình của HTX được thực hiện từ đầu vụ đông xuân năm 2014 trên diện tích 4.2ha, mặc dù thời tiết xấu, năng suất giảm nhưng thu hoạch vẫn cho lợi nhuận cao hơn năm trước do áp dụng CGH vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo mạ, phun thuốc và thu hoạch, giảm được 50-60% ngày công lao động.

Như khâu nhổ mạ và cấy nếu một lao động khỏe cấy được 1 sào/ngày, nhưng kéo ống gieo sạ thì 1 người làm được hàng mẫu ruộng; cấy lúa truyền thống cần 2-2,5kg giống/sào thì gieo sạ chỉ cần 0,9-1,1kg giống/sào.

Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn, ông Vũ Văn Nga, doanh nghiệp giống cây trồng con nuôi Ninh Bình cho rằng: Nông dân nên kết hợp với doanh nghiệp để cùng đầu tư khép kín các khâu trong sản xuất, tại đây người nông dân chỉ làm chủ các khâu: Tiếp nhận vật tư phân bón, thuốc BVTV, cách chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, còn doanh nghiệp thực hiện các khâu làm đất, gieo mạ, cấy, bón phân, gặt, thu hoạch, sấy khô, tiêu thụ. Nông dân sẽ giảm được sức lao động, công lao động, chi phí sản suất thấp mà hiệu quả sản xuất vẫn tăng.

Ông Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: CGH nông nghiệp ngoài việc đem lại lợi ích cho nông dân, quan trọng hơn là đã tạo ra cách làm mới, đồng bộ, tập trung, có sự thống nhất các khâu trong sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Hiện Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích áp dụng CGH như: Hỗ trợ mua máy mới, bao tiêu sản phẩm, cho vay ưu đãi…

Về mặt hỗ trợ kiến thức, tập huấn, tham quan, đào tạo, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẵn sàng tổ chức để nông dân có điều kiện tham gia, học tập. Ông cũng khuyến cáo các địa phương nên liên kết các tổ, các xã, các tỉnh, để áp dụng CGH đồng bộ , làm sao đem lại hiệu quả nhất cho nông dân, người làm dịch vụ CGH.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem