TP.HCM: Hướng tới mạng lưới bác sĩ gia đình thông minh
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 05/05/2022 17:24 PM (GMT+7)
Trong 2 ngày 5-6/5, tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) diễn ra Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ 15. Đây là hoạt động khoa học định kỳ hằng năm để cập nhật những thông tin khoa học, kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực y tế và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.
Hội nghị lần này được tổ chức linh hoạt với nhiều hình thức phối hợp như báo cáo tại chỗ và báo cáo trực tuyến với sự đóng góp của 186 bài báo cáo khoa học được trình bày bởi các báo cáo viên quốc tế và các cán bộ, giảng viên nhà trường. Chương trình khoa học của Hội nghị phủ rộng các lĩnh vực Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Y học cơ sở, Y tế Công cộng, Y học gia đình, Dược, Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học,....
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 15 là Hội nghị Quốc tế về Ứng dụng Công nghệ thông tin trong y tế (Health Info II). Tại Health Info II, những bước tiến vượt bậc của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực y tế sẽ được các chuyên gia chia sẻ trong khuôn khổ chủ đề "Hướng tới mạng lưới bác sĩ gia đình thông minh", một trong những chủ đề được quan tâm trong bối cảnh hiện nay.
Một trong các mô hình tiêu biểu nhất trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19 là mô hình "Tổ y tế từ xa". Đây là một bằng chứng cụ thể ý nghĩa của "nguy cơ" - biến nguy hiểm của đại dịch Covid-19 thành cơ hội phát triển, là một bằng chứng sinh động cho việc ứng dụng kiến thức y khoa dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông qua hình thức Telemedicine vào thực tiễn công tác phòng, chống dịch trong thời điểm cam go để hỗ trợ cho bệnh nhân F0 tại cộng đồng.
Mô hình "Tổ y tế từ xa" của trường đã được vinh danh là một trong 10 thành tựu Y khoa Việt Nam năm 2021.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, các chủ đề luôn tập trung vào các vấn đề cấp thiết và quan trọng của ngành y tế với những bài tham luận chất lượng từ các diễn giả uy tín trong và ngoài nước. Lần này, chủ đề của hội nghị sẽ tập trung vào cách thức tổ chức mạng lưới y tế cơ sở, với vai trò nòng cốt của các bác sĩ gia đình, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm tạo ra một mạng lưới bác sĩ gia đình – y tế tuyến đầu thông minh và hiệu quả cho TP.HCM.
Ông Đức chia sẻ, trong quá trình chống dịch, đã có nhiều sáng kiến, mô hình phòng chống dịch sáng tạo và hiệu quả, ví dụ như mô hình "Tổ Y tế từ xa", mô hình "Taxi chuyển bệnh" từ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã góp phần hiệu quả trong việc hỗ trợ và vận chuyển các F0 khi cần thiết. Từ thực tế này cho thấy, vai trò rất quan trọng của tuyến y tế cơ sở trong việc bảo vệ, giúp kiểm soát hiệu quả và đáp ứng kịp thời nhu cầu sức khỏe của người dân ngay tại phường xã mình cư trú.
"Từ thành quả đạt được khi tuyến y tế cơ sở được tăng cường, hỗ trợ trong đợt dịch, chúng ta cần phải đầu tư lâu dài và bền vững nhằm củng cố và phát huy vai trò của y tế cơ sở. Và cũng từ định hướng này, việc phát triển y tế cơ sở với trọng tâm là nguyên lý y học gia đình và bác sĩ gia đình chính là chìa khóa để nâng cao năng lực của công tác chăm sóc ban đầu. Điều này giúp người dân có thể tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngay từ tuyến đầu đồng thời giúp chúng ta có thể kiểm soát những vấn đề sức khỏe cộng đồng tốt hơn", Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.