Năm 2011, khi mới triển khai xây dựng NTM, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện chỉ đạt 4,3 tiêu chí, có những xã chỉ đạt 1 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân chỉ 10 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo chiếm 14%.
Trước thực trạng đó, huyện Tư Nghĩa đã chọn Nghĩa Lâm làm xã điểm xây dựng NTM (đây cũng là xã điểm của tỉnh). Sau 4 năm triển khai đầu tư, năm 2015, xã Nghĩa Lâm đã về đích NTM.
Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Vì thế, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, huyện đã đưa kế hoạch xây dựng NTM vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể của huyện, trong đó phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM.
Diện mạo nông thôn mới ở huyện Tư Nghĩa. (ảnh: M.H)
Hiện ở Tư Nghĩa, đường giao thông đã bê tông về đến các khu dân cư. Các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học đều được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân. Thông qua các chương trình dồn điền đổi thửa, áp dụng giống mới cùng các quy trình đầu tư thâm canh, năng suất lúa, hoa màu đạt kết quả cao, góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu nhập của người dân.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tư Nghĩa, chỉ riêng năm 2018, toàn huyện đã đầu tư trên 192 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học và nhà văn hóa thôn... Để có nguồn kinh phí đầu tư, ngoài ngân sách T.Ư và tỉnh cấp (trên 87 tỷ đồng), huyện và các xã đã đầu tư 37,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên 56 tỷ. Đặc biệt, huyện đã huy động nguồn lực trong dân đóng góp gần 23 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.