Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Thành phố hiện vẫn còn nhiều hộ gia đình khó khăn. Tổng số hộ nghèo có mức thu nhập dưới 12 triệu đồng/năm là 96.744 hộ, chiếm 5,3% tổng số dân. Để giải quyết, năm 2011 thành phố đã trợ cấp 62,123 tỷ đồng cho các đối tượng nghèo bằng nhiều hình thức (hỗ trợ tiền ăn tết, xây dựng nhà tình thương, chống dột, trợ cấp cho những hộ đặc biệt khó khăn…).
|
TP.HCM đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp trong thời gian qua. |
Theo báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp, ngoài các chính sách an sinh xã hội đang áp dụng, thành phố đang tiếp tục thực hiện thêm các chính sách hỗ trợ hàng tháng với tổng kinh phí hơn 176 tỷ đồng cho các đối tượng đặc biệt khó khăn; bù giá điện cho người thu nhập thấp…
Nhiều mô hình hoạt động mới được triển khai như: Chương trình bình ổn giá, chương trình vận động chủ nhà trọ không tăng giá cho thuê nhà với 98,56% chủ nhà trọ tham gia, trường mầm non, nhóm giữ trẻ không tăng giá giữ trẻ với 1.875 chủ cơ sở tham gia; chương trình vận động 1.145 doanh nghiệp tăng phụ cấp, hỗ trợ tiền ăn, ở cho 265.799 công nhân; chương trình vận động hơn 50 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội chăm lo cho người lao động nghèo…
TP.HCM đã chỉ đạo ngành thuế điều chỉnh giảm 50% thuế khoán với các hộ kinh doanh nhà trọ cho công nhân, người lao động nghèo. Các quận huyện, hội đoàn cũng tích cực tham gia công tác an sinh xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào tổ chức bán hàng trợ giá, chương trình tặng đồ vật đã qua sử dụng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, khám, chữa bệnh cho người già… Nhiều quận, huyện tổ chức “Phiên chợ công nhân”, “Quỹ an sinh xã hội” giúp sinh viên nghèo; Phong trào “Dân giúp dân”, Phong trào “Ba tiết kiệm, 3 tương trợ” vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ người nghèo…
Riêng “Năm vì trẻ em” thành phố đã tổ chức ngày hội “Nối vòng tay yêu thương” cho 2.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng hàng trăm suất học bổng, quà tặng, sách giáo khoa cho trẻ em nghèo, học giỏi… Ngoài ra, thành phố cũng ưu tiên vốn cho các công trình xây dựng vì trẻ em với 9 công trình vui chơi giải trí được khánh thành trong năm 2011…
* Hôm nay (7.12), kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội khóa XIV sẽ khai mạc. Trước kỳ họp này, HĐND thành phố đã tiếp nhận hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào 3 vấn đề lớn là giao thông, dự án chậm triển khai và xây dựng nông thôn mới.
Về vấn đề giao thông, cử tri các quận nội thành nêu rõ: Các biện pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay như phân làn phương tiện, bịt ngã tư mới chỉ là giải pháp tình thế. Nhiều ý kiến đề nghị thành phố cần có quy hoạch phát triển giao thông đồng bộ, khoa học, hạn chế cấp phép các loại hình vận tải taxi, hạn chế ô tô cá nhân, di chuyển các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất lớn ra ngoại thành…
Về tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn Hà Nội, ý kiến cử tri nhiều địa phương đề nghị thành phố thường xuyên rà soát, nhắc nhở các chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ và kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.
Về việc xây dựng nông thôn mới, cử tri khu vực ngoại thành đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng bộ nhà văn hóa thôn, nâng cấp các tuyến đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng, vật nuôi; quan tâm, có giải pháp thiết thực trong bảo đảm môi trường nông thôn, thu gom, xử lý rác thải…
Sinh Nguyên - Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.