Người dân nắm giữ nguồn lực lớn
Năm 2012, cùng với việc tháo gỡ khó khăn nhằm vực dậy thị trường chứng khoán, thì lượng vàng được ước tính vào khoảng 300-500 tấn sẽ được NHNN triển khai phương án cụ thể để huy động với hy vọng lượng tài sản có giá trị lớn đang được người dân nắm giữ sẽ được phát huy phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Theo thông tin từ người đứng đầu NHNN, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng.
|
Lượng vàng trong dân hiện còn khoảng 300- 500 tấn. |
Tuy nhiên, để đề án này có thể thành hiện thực và phát huy hiệu quả, TS Nguyễn Trọng Tài - Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học NH (Học viện NH) cho rằng: Tâm lý người Việt rất thích nắm giữ vàng.
Không chỉ ở thành thị mà đặc biệt ở các vùng nông thôn, cứ tích góp, dành dụm được chút ít tiền là người dân đi mua vàng. Do vậy, muốn huy động được vàng đòi hỏi sự vào cuộc nhiệt tình của cơ quan chức năng.
“Song cũng cần phải nói rằng, nếu như các nhà đầu cơ vẫn thoải mái bán - mua thì không đảo ngược được thế trận” - ông Tài nhấn mạnh.
Để mục tiêu huy động lượng vàng trong dân có thể trở thành hiện thực, TS Tài cho biết: Cần phải có sự vào cuộc từ các vùng nông thôn như phát tờ rơi, thông qua các kênh truyền thông… Nhà nước phải chuyển tải được thông điệp rằng “vàng mà người dân bị huy động không mất, mà chỉ tạm thời nhượng quyền sử dụng và không để người dân bị thiệt”.
“Cơ bản là phải tạo được niềm tin cho người dân. Tạm thời họ không giữ vàng vật chất, họ nhượng quyền tạm thời cho Chính phủ, nhưng vẫn phải tạo điều kiện sẵn sàng chuyển sang tiền và ngược lại” - ông Tài khẳng định.
Bày tỏ quan điểm với báo chí xung quanh thông tin về đề án này, TS Lê Hồng Giang, hiện đang quản lý danh mục đầu tư ngoại hối, Quỹ phòng hộ của Tactical Global Management cho rằng: Việc huy động vàng trong dân sẽ không quá khó nếu tạo được lòng tin trong dân. Tuy nhiên, việc “huy động vàng trong dân để sử dụng vào mục đích gì và hiệu quả ra sao” lại là điều mà TS Giang lo ngại.
Lãi suất huy động vàng liệu có đủ hấp dẫn?
Không phải đợi đến khi có đề án huy động vàng thì NHNN hay các NHTM mới nhìn thấy tiềm lực của nguồn tài sản “khổng lồ” này trong dân.Thời gian qua, một kênh đầu tư không lạ lẫm gì với nhiều người dân đó là gửi tiết kiệm vàng đã được nhiều NHTM mở ra. Tuy nhiên, trên thực tế đã không cho thấy độ hấp dẫn và thu hút như mong đợi. Thậm chí các ngân hàng huy động vàng với lãi suất thấp hơn lãi suất tiết kiệm tiền đồng hàng chục lần.
Bà Thu Ngân (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) từng là một nhà đầu tư vàng tài khoản bày tỏ quan điểm: Tôi ủng hộ đề án huy động vàng trong dân của NHNN, song chỉ mong rằng làm gì cũng phải nghĩ đến người dân, bảo vệ quyền lợi và lo cho dân, tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". Nên cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch và dài hơi.
Ông Trương Văn Phước - Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank): Cần phải dự báo trước khó khăn khi triển khai đề án. Chẳng hạn như khi người dân muốn rút vàng trước hạn thì xử lý thế nào? Ngân hàng thương mại có được chiết khấu các tín phiếu vàng đã mua Ngân hàng Nhà nước trước hạn không? Nhu cầu mua bán vàng của người dân được đáp ứng ra sao...
Chưa thực sự tin tưởng đề án sẽ phát huy hiệu quả, ông Đức Quế (chủ một trang trại tại xã Phú Cát, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết: Người dân chỉ thấy vàng là nơi phòng giữ cuối cùng cho tài sản. Họ tích trữ tài sản ít ỏi phòng khi ốm đau, mất mùa… VND thường xuyên mất giá làm mất lòng tin của người dân, nên để huy động được vàng trong dân là vô cùng khó.
“Phải làm cho người dân tin là không bị thua thiệt gì. Khi đó họ mới mặn mà với các lời kêu gọi của Nhà nước” - ông Quế chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia tỏ ra băn khoăn bởi nếu có lợi nhuận, người dân sẽ ồ ạt mua vàng để gửi vào ngân hàng thì sẽ dẫn đến tình trạng nhập vàng, trong khi với số vàng ồ ạt huy động được, NHNN lại xuất ra thị trường thế giới.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.