Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ lỏng lẻo quản lý, sử dụng tài sản công, để 6.828 liều vắc xin Pfizer hết hạn

Bùi Tư Thứ ba, ngày 21/03/2023 14:10 PM (GMT+7)
Thanh tra TP.HCM nêu rõ, UBND huyện Cần Giờ để 6.828 liều vắc xin Pfizer hết hạn, nhiều trường hợp đến nay vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19.
Bình luận 0

Ngày 21/3, Thanh tra TPHCM đã công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm chủ tịch UBND huyện Cần Giờ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, khiếu nại, tố cáo; việc chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và trách nhiệm của UBND huyện trong quản lý, sử dụng ngân sách…

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021.

Để 6.828 liều vắc-xin Pfizer hết hạn sử dụng

Thanh tra TPHCM kết luận, UBND huyện Cần Giờ có nhiều thiếu sót trong việc chỉ đạo điều hành, công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2020 – 2021.

Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện phân bổ kits test xét nghiệm nhanh từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đến các Trạm Y tế xã, thị trấn nhưng không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, thông tin, chữ ký, danh sách của toàn bộ cá nhân đã được xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ để 6.828 liều vắc-xin Pfizer hết hạn sử dụng nhưng chưa kịp thời đề xuất xử lý đến Sở Y tế, HCDC TP.HCM và UBND huyện Cần Giờ.

Huyện Cần Giờ để 6.828 liều vắc xin Pfizer hết hạn, nhiều người dân chưa nhận được hỗ trợ - Ảnh 1.

Hàng loạt sai phạm tại huyện Cần Giờ mà Thanh tra TP.HCM nêu.

UBND huyện Cần Giờ thực hiện hỗ trợ cho các cá nhân theo nghị quyết số 68/NQ-CP còn chậm trễ, dẫn đến phần lớn các trường hợp kết thúc việc cách ly y tế từ tháng 10, 11, 12/2021 nhưng đến tháng 8/2022 mới được phê duyệt hỗ trợ.

Theo kết luận thanh tra, đến hiện tại vẫn còn một số trường hợp chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định.

Đồng thời, việc ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ tại một số trường hợp có thiếu sót khi chưa thể hiện đầy đủ thông tin về quyết định và thời gian cách ly, ngày bắt đầu cách ly, ngày giải tỏa cách ly, thời gian nhập viện, xuất viện.

UBND xã Thạnh An tạm ứng ngân sách xã chi hỗ trợ theo nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ cho 77 trường hợp F1, F0 với số tiền hơn 86 triệu đồng, đã báo cáo Phòng Y tế huyện nhưng đến nay chưa xử lý dứt điểm.

Trách nhiệm nêu trên thuộc về lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Trưởng phòng Y tế huyện, Chủ tịch UBND xã Thạnh An và các tập thể, cá nhân có liên quan theo từng thời kỳ phát sinh vụ việc.

Hàng loạt vi phạm khác

Theo thanh tra TP.HCM, năm 2020, thu cân đối ngân sách năm của huyện Cần Giờ đạt tỷ lệ 122,8%, vượt so với dự toán thành phố giao.

Trong đó, các khoản thu có tỷ trọng lớn vượt cao là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, mặt nước. Tuy nhiên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đạt 56,89%; thu từ khu vực kinh tế Nhà nước chỉ đạt 59,6%, là thu chưa đạt so với dự toán được giao.

Năm 2021, thu cân đối ngân sách chỉ đạt 69,69%, chưa đạt so với dự toán được giao.

UBND huyện chi không đạt dự toán năm 2020 (90,8%), chi vượt dự toán năm 2021 (114%) do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và khắc phục hậu quản của dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ an sinh do UBND TP.HCM giao bổ sung trong năm.

Đối với việc chi đầu tư phát triển, hầu hết các dự án trong số 413 dự án đang được theo dõi thực hiện đều chậm tiến độ hoặc chậm quyết toán theo quy định.

Trong đó, báo cáo của UBND huyện có 24 dự án đã quyết toán từ năm 2018 đến 30/11/2022 nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện hoàn trả khoản chênh lệch do số tiền thanh toán cao hơn số quyết toán là 896 triệu đồng, là chưa đúng quy định.

Các khoản kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố cho ngân sách huyện không sử dụng hết hiện kết dư với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng mà không nộp hoàn trả phần còn thừa cho ngân sách thành phố là chưa thực hiện đúng theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem