Huyện Đan Phượng – Hà Nội: Nỗ lực trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Việt Tùng Thứ tư, ngày 07/03/2018 10:50 AM (GMT+7)
Là một huyện ngoại thành của Hà Nội, năm 2010 khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu hết các xã của huyện Đan Phượng mới chỉ đạt 4 – 5 tiêu chí. Song với cách làm sáng tạo, Đan Phượng đã vươn lên trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội về đích NTM. Và nay, huyện đang tiếp tục phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu…
Bình luận 0

Những con đường bích họa xã hội hóa

img

Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm mô hình trồng hoa lan của HTX Đan Hoài.

Chỉ chưa đầy 5 năm xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã chính thức về đích NTM, song huyện đã không dừng ở đó mà tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành huyện NTM kiểu mẫu của Hà Nội và cả nước. Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức người, sức của toàn thể người dân.

Ông Nguyễn Thạc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, trong những năm qua phong trào xã hội hóa trong xây dựng NTM được đẩy mạnh và được bà con ủng hộ, trong đó có những gia đình đã tự nguyện hiến tới 270m2 đất thổ cư, ủng hộ 2,1 tỷ đồng để xây dựng ao môi trường, làm đường giao thông, nhiều xã hiến hàng nghìn m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp để làm đường giao hông nông thôn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tứ Hùng, xã Tân Lập, người đã hiến tới 2,1 tỷ đồng để làm ao môi trường và làm đường giao thông cho biết, đã từ lâu ông đã thấm nhuần lời dạy của Bác rằng: “Những việc gì có lợi cho dân thì cố gắng hết sức mà làm. Những việc gì có hại cho dân thì phải tránh”, nên ông đã sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn mà không hề mảy may tính toán thiệt hơn.

Ông Hùng cho biết, khi huyện xây dựng NTM đã xuất hiện rất nhiều cá nhân, tập thể điển hình, điển hình trong cả việc sẵn sàng hiến đất, tiền của, ngày công và điển hình trong cách làm. “Chính nhờ sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân, mà chỉ trong một thời gian ngắn hầu hết các tuyến đường giao thông liên thôn, xã và đường nội đồng ở Đan Phượng đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp” – ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết.

Hiện tại, mảnh đất “quê hương người gái đảm” đã có tổng cộng 33,63km đường trục thôn; 101,7km đường giao thông nội đồng và 5,6km đường kênh mương xanh sạch đẹp với chậu hoa, cây cảnh ven đường. Mỗi ngôi nhà, tuyến đường cũng được đánh biển số, biển chỉ dẫn để thuận tiện cho việc liên lạc, tiếp nhận thông tin và giao dịch của người dân.

Không chỉ vậy, tại các xã Đan Phượng, Đồng Tháp và Liên Hồng còn sở hữu những con đường bích họa độc nhất vô nhị do các Đoàn viên thanh niên tự sáng tác để làm đẹp đường làng ngõ xóm và cổ động chương trình xây dựng NTM. Điều đặc biệt nữa là, với 1,54 tỷ đồng kinh phí trồng hoa, cây xanh và vẽ tranh bích họa trên 23km đường giao thông ở Đan Phượng, chủ yếu là vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp (88%).

img

Sau khi về đích huyện NTM, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đang tiếp tục nỗ lực để trở thành huyện NTM kiểu mẫu, theo đó những con đường bích họa, con đường hoa đã mọc lên ở nhiều xã.

Đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Không chỉ đi đầu trong việc xây dựng NTM, Đan Phượng còn là huyện đi đầu TP Hà Nội trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những vùng chuyên canh tập trung. Đặc biệt, bước đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã và mang lại hiệu quả rất khả quan.

Theo ông Nguyễn Viết Đạt – Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, trong 7 năm qua, hơn 1.000ha đất trồng lúa đã được nhân dân huyện Đan Phượng chuyển sang trồng hoa, rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi tập trung có giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Đào Văn Vũ – Bí thư Đảng ủy xã Liên Trung cho biết, đến nay, xã đã chuyển đổi được 16,5ha măng tre điền trúc kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có 2,4ha trồng táo lai và bưởi Diễn; 4ha chuối tiêu hồng; 3,8ha cây dong riềng; 4,3ha cây bạc hà và thanh hao… Cùng với đó, tích cực phối hợp với Tập đoàn GFS lập dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao với diện tích 20ha tại vùng bãi ven sông Hồng.

Tương tự, xã Song Phượng hiện cũng đã hoàn thành việc chuyển đổi 100% đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Điển hình trong đó là 1ha trồng nấm, mộc nhĩ cho doanh thu từ 1,7 - 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn có 20ha hoa, cây cảnh; 4ha cam canh; 1ha trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao…

img

Hoa ly, một loài hoa đẹp, có giá trị kinh tế cao đã và đang trở thành cây làm giàu của người dân nơi đây.

Trong số 3 xã được chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Đan Phượng hiện có nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhất với 3 mô hình. Cụ thể: dưa lưới (0,12ha), măng tây xanh và rau sạch (2,4ha), nấm ăn, nấm dược liệu (0,8ha), ngoài ra các mô hình sản hoa ly, hoa cúc, hoa đồng tiền… cũng bước đầu phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Một trong những tấm gương đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Đan Phượng có thể kể đến ông Bùi Văn Lâm ở xã Song Phượng, một doanh nhân trẻ đang kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng hoa ly.

Chia sẻ về dự án vươn lên thoát nghèo của bản thân, ông Lâm cho biết: “Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tôi đã quyết định chọn cây hoa ly để trồng, bởi tôi nhận thấy cây hoa ly có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, cùng với đó là rủi ro cũng rất lớn, song tính tôi đã quyết là làm”.

Ông Lâm cho biết, khi xã triển khai xây dựng NTM, ông đã được hỗ trợ và tư vấn nhiều hơn về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Hiện ông Lâm đã có khoảng 3 mẫu đất trồng hoa ly cho thu nhập khoảng 200 -250 triệu/sào và tạo việc làm cho nhiều người dân ở địa phương, khoảng 3-4 người vào ngày thường và 15-20 người vào dịp lễ Tết…

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc – Bí thư xã Đan Phượng cho biết, xã đã về đích NTM từ năm 2013 và năm 2016 hưởng hứng phong trào do huyện phát động, xã đã đăng ký xây dựng xã NTM kiểu mẫu. “Dự trên cái nền trước đó, chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa các thôn, xóm; lắp biển tên đường; gắn số nhà; trồng hoa ở các trục đường. Ngoài ra xã còn vận động các hộ quyên góp kinh phí để triển khai các con đường bích họa. Hiện xã đang sở hữu nhiều tuyến đường bích họa đẹp nhất nhì huyện”.

Bà Cúc cho biết thêm, hiện xã đã cơ bản hoàn thành gắn biển số nhà và đặt tên đường, hoàn thành việc trồng và phân công chăm sóc hoa và cây cảnh ở 3/6 trục đường chính. Đặc biệt, các ao môi trường đã được kè, hệ thống nước thải sinh hoạt không xả vào các ao. Đan Phượng đã thực hiện việc tang văn minh, xây dựng và lưu trữ tro cốt người sau hỏa táng…

“Xã đang phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành xã NTM kiểu mẫu với cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, dịch vụ. Phấn đấu 91% lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm…” – bà Cúc cho biết.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem