Huyện miền núi duy nhất của Hà Nội đã có 9 sản phẩm OCOP đạt sao
Huyện miền núi duy nhất của Hà Nội đã có 9 sản phẩm OCOP đạt sao
Hồng Đạt – Hùng Mạnh
Thứ tư, ngày 10/06/2020 05:00 AM (GMT+7)
Sau hơn một năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Ba Vì (Hà Nội) đã có 9 sản phẩm được xếp hạng 3 sao và 4 sao. Trong năm nay, huyện miền núi duy nhất của Thủ đô đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu có thêm 16-20 sản phẩm được xếp hạng.
Thực hiện Chương trình OCOP, UBND huyện Ba Vì đã ban hành kế hoạch triển khai trong năm 2020, mục tiêu toàn huyện sẽ có 25 đến 30 sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP.
Trong đó, huyện Ba Vì yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế...
Được biết, đến hết năm 2019, toàn huyện Ba Vì đã có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm 4 sao là: Sữa tươi thanh trùng không đường Trang Viên, Sữa tươi thanh trùng có đường Trang Viên, Sữa chua trắng Trang Viên, Sữa chua nếp cẩm Trang Viên, Caramen Trang Viên, Bánh sữa Trang viên. Ngoài ra, huyện còn có 3 sản phẩm được chấm 3 sao, gồm Gà đồi Ba Vì, Mật ong thiên nhiên Vinh Hoa, Tinh bột nghệ nếp đỏ Trung Năng.
Hiện nay các sản phẩm trên địa bàn huyện Ba Vì được phân bổ khá đồng đều trên các địa phương với nhiều sản phẩm đa dạng đã và đang được người tiêu dùng đón nhận như: Sữa, miến dong Minh Hồng, chuối, bưởi...
Nhằm thực hiện cụ thể hóa chương trình, với mục tiêu 16 - 20 sản phẩm đạt OCOP trong năm nay, mới đây UBND huyện Ba Vì đã phối hợp Công ty CP Sông Đà Kinh Bắc tổ chức hội nghị triển khai Chương trình OCOP năm 2020 đến lãnh đạo các xã, thị trấn, các hợp tác xã trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị, đại diện Công ty Sông Đà Kinh Bắc đã giới thiệu Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, khung đào tạo Chương trình OCOP, quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP của TP.Hà Nội đến năm 2020; giới thiệu những sản phẩm nào được tham gia chương trình OCOP; lợi ích của chủ thể khi tham gia vào chương trình; sự khác biệt của sản phẩm tham gia OCOP và không tham gia sản phẩm OCOP là gì; những thủ tục cần thiết để chủ thể đăng ký tham gia vào Chương trình OCOP...
Để đạt mục tiêu có 16-20 sản phẩm tham gia OCOP trong năm 2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều hiểu vai trò, ý nghĩa, mục đích của chương trình, từ đó tích cực tham gia và quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã bố trí cán bộ có năng lực thực hiện chương trình này, qua đó thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể về chiến lược phát triển sản phẩm, ưu tiên sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại địa phương và tập trung phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP…
Huyện Ba Vì cũng hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tham gia OCOP thiết kế logo, mẫu mã, bao bì sản phẩm, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…
Gắn sao OCOP, sản phẩm tiêu thụ dễ hơn
Sau hơn 20 năm chuyên nuôi ong và làm giàu từ con ong mật, cơ sở nuôi ong Vinh Hoa của gia đình chị Chu Thị Vinh, anh Trương Anh Tuấn (ở thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì) đã được nhiều người biết đến. Sản phẩm mật ong thiên nhiên từ ong của gia đình anh chị đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận OCOP 3 sao.
Mỗi năm, gia đình chị Chu Thị Vinh xuất bán từ 60 - 70 tấn mật. Ngoài bán cho người dân địa phương, sản phẩm mật ong, phấn hoa của gia đình chị đã được một công ty của Hàn Quốc chuyên làm bánh gạo mật ong tiêu thụ.
Chị Chu Thị Vinh cho biết, chồng chị là một người chuyên nghiên cứu về ong, nuôi ong của Công ty Ong Trung ương, nhận thấy lợi thế của vùng đất Ba Vì có hoa trái 4 mùa, không khí trong lành, có hệ thống thực vật phong phú, rất thích hợp để nuôi ong. Sau khi cùng nhau bàn bạc, gia đình chị đã quyết định đầu tư nuôi ong.
Từ năm 2000 đến nay, gia đình chị Vinh thường xuyên nuôi từ 400 - 500 đàn ong, trong đó có khoảng 100 đàn ong nội, còn lại chủ yếu là ong ngoại.
Nhờ những kiến thức tích lũy được khi làm ở Công ty Ong Trung ương nên anh chị nắm rõ đặc tính của đàn ong như lòng bàn tay, hiểu rõ những biểu hiện bệnh của ong như thối ấu trùng nhỏ, thiên địch hại ong, hay con ong cần gì trong từng mùa để nuôi ong đạt hiệu quả cao.
Để có sản phẩm mật ong thiên nhiên đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng năm, gia đình chị thực hiện nuôi ong theo từng mùa hoa. Nếu vào mùa nhãn, vải, ong của gia đình chị được nuôi ở khu vực huyện Ba Vì, Sơn Tây. Sau đó, anh chị đưa đàn ong sang Phú Thọ vào mùa hè để ăn mật keo. Đến mùa thu và mùa đông, đàn ong lại được di chuyển lên khu vực Mộc Châu (Sơn La). Vì vậy mà sản phẩm mật ong thiên nhiên của gia đình chị luôn đạt chất lượng tốt, được nhiều người tin dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.