Huyện nghèo xây tượng đài 48 tỷ đồng: “Quy mô lớn mà dân thấy xa lạ, sẽ thất bại”

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 06/07/2020 11:06 AM (GMT+7)
Ông Đinh Bá Hòa - nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) cho hay, tượng đài chỉ nên làm ở quy mô và số tiền vừa phải để ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử, nếu làm quy mô lớn mà người dân thấy xa lạ, coi như đã thất bại bước đầu.
Bình luận 0

Ngày 6/7, liên quan đến câu chuyện huyện nghèo xây tượng đài 48 tỷ đồng, ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định), cho rằng Vĩnh Thạnh là một huyện nghèo, dân còn khổ cực nhưng xây dựng công trình Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh "tiêu tốn" hàng chục tỷ đồng thì con số này quá lớn.

"Đây là di tích lịch sử, cần phải xây 1 cái gì đó để lưu lại sự kiện dân tộc, việc này nên làm nhưng không nhất thiết phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây tượng đài.  Kinh phí ở đây tỉnh sẽ rót 70% nhưng số tiền để làm công trình là rất lớn, quá quy mô. Tôi nghĩ chỉ nên làm tượng đài quy mô hợp lý ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử với số tiền vừa phải nhưng đạt được mục đích", ông Hòa nhấn mạnh.

Huyện nghèo xây tượng đài 48 tỷ đồng: “Quy mô lớn mà dân thấy xa lạ, sẽ thất bại” - Ảnh 1.

Công trình Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Dù được đầu tư số tiền rất lớn nhưng nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na) - Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định) cho rằng, qua nhiều lần góp ý, bàn luận thì 3 vấn đề lớn của tượng đài khiến ông vẫn chưa hài lòng vì nhiều chi tiết không giống người Ba Na.

"Thứ nhất là hình ảnh cái rìu, người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa chứ không bao giờ cầm rìu cả. Thứ hai, người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Thứ ba, dáng đứng trên tượng đài là dáng đứng bắn súng, cũng không phải của người Ba Na. Người Ba Na chúng tôi đứng dáng bắn nỏ, bắn ná khác hẳn", nghệ nhân Yang Danh lý giải.

Theo nghệ nhân Yang Danh, ông và nhiều già làng người Ba Na chưa hoàn toàn tán thành. Tuy nhiên, chỉ có ý kiến lên lãnh đạo huyện tỉnh, chứ không phải phản đối hoàn toàn.

"Xây dựng được tượng là việc đáng mừng nhưng phải xây đúng theo truyền thống của người Ba Na, nếu không đúng thì buồn lắm", nghệ nhân Yang Danh nói.

Ông Đinh Bá Hòa cho rằng, tượng đài đặt ở miền núi quy mô to lớn, công trình hoành tráng mà người dân địa phương thấy xa lạ thì sẽ là thất bại bước đầu, không đạt được ý nghĩa đề ra.

Tượng đài không nên sáng tác mà phải lấy con người cụ thể của chính người dân bản địa thì mới phù hợp.

"Chuyện quy mô tầm cỡ, kinh phí là do nhà quản lý quyết định nhưng tôi chỉ buồn vì đây là tượng đài mang tính lịch sử, rất cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của giới sử học, ít nhất là phạm vi ở trong tỉnh. Tuy nhiên, tôi thấy hình như chuyện này nhà quản lý phớt lờ", ông Hòa cho hay.

Huyện nghèo xây tượng đài 48 tỷ đồng: “Quy mô lớn mà dân thấy xa lạ, sẽ thất bại” - Ảnh 2.

Công trình Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019.

Công trình Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019, với phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5m và bục cao 4,5m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối. Toàn bộ phần tượng được sử dụng từ đá xanh Thanh Hóa.

Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek (đồng bào Ba Na).

Theo dự tính ban đầu, dự án tiêu tốn hết 48 tỷ đồng, nhưng thực tế phê duyệt chính thức triển khai thi công là 40 tỷ đồng. Trong đó, phần tượng đài 30 tỷ đồng, phần hạ tầng 10 tỷ đồng. Tỉnh hỗ trợ kinh phí 70%/ tổng mức vốn đầu tư, còn lại huyện tham gia 30%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem