Huyền thoại nơi ải Bắc

Thứ hai, ngày 19/12/2011 09:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gọi là huyền thoại bởi lẽ Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) nằm ở lưng chừng trời với quanh năm mây phủ. Nhưng có lẽ điều làm nên huyền thoại nhiều hơn ở vùng đất này lại chính là những người lính biên phòng, một năm 365 ngày ăn gió nằm sương để gìn giữ bình yên địa đầu Tổ quốc.
Bình luận 0

Chinh phục đường biên cao nhất Đông Dương

Đặt chân đến TP. Lào Cai sau một đêm dài không ngủ trên chuyến tàu khởi hành từ Hà Nội, chúng tôi tạm quên đi sự mệt mỏi để chuẩn bị cho chuyến đi đến vùng biên cương xa nhất của Lào Cai được gọi ngắn gọn với cái tên Y Tý. Vừa nghe tôi nhắc đến tên vùng đất này, toàn bộ các tài xế taxi ở sân ga Lào Cai đều vội vã lắc đầu.

img
Gian nan đường lên Y Tý.

Theo lời của những tài xế này thì đường lên Y Tý đến xe khách loại gầm cao máy thoáng còn chịu thua nữa là những chiếc xe chỉ đủ mã lực chạy trong thành phố. Chính vì thế, hiện nay không có một tuyến xe khách nào chạy Lào Cai - Y Tý. Nếu muốn lên đó thì chỉ còn cách đi xe máy nhưng nếu không quen đường thì quả thực quá nguy hiểm khi muốn chinh phục con đường được coi là "đường Trường Sơn giữa thời bình" này.

Đang không biết phải làm sao thì tôi chợt nhớ đến "người rừng" Trần Ngọc Lâm - người đã từng sống nhiều năm trong hang khỉ trên đỉnh Phanxipăng để tự chữa bệnh ung thư phổi. Có lẽ con người lập nên rất nhiều kỳ tích này có thể sẽ giúp được chúng tôi lập thêm một kỳ tích mới trong cuộc hành trình đến với Y Tý.

Quả nhiên không ngoài sự mong đợi của tôi, ông Lâm gật đầu đồng ý lái xe đưa chúng tôi lên Y Tý. Phương tiện đi lại chính là chiếc xe bán tải Toyota Hilux mà nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tặng cho ông Lâm vào năm 2010 khi biết ông đang tìm kiếm, gây giống, giữ gìn, bào chế các cây thuốc quý trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn để giúp đỡ người dân chữa trị căn bệnh nan y ung thư.

Chặng đường từ TP. Lào Cai vào đến xã A Lù, huyện Bát Xát dù lên dốc, xuống đèo, cua gấp khuỷu tay liên tục, nhưng cũng chưa làm cho chúng tôi có thể đổ mồ hôi giữa cái lạnh dưới 10 độ C của vùng cao phía bắc này. Thế nhưng chỉ trên đoạn đường khoảng hơn 30km từ A Mú Sung vào Y Tý thì đúng là "mồ hôi mẹ đẻ mồ hôi con".

Con đường đất đá nham nhở, lượn sóng, đính chơi vơi nơi miệng vực khiến cho những người hay lăn lộn vùng cao như tôi cũng phải hớp từng ngụm khí lạnh để có đủ bình tĩnh ôm chặt lưng ghế phía trước mà nhào lộn theo mỗi vòng bánh lăn. Những gợn sống trâu lổn nhổn đất đá nằm giữa đường cao đến hơn 30cm làm cho gầm xe chúng tôi kêu ràn rạt mỗi khi va chạm. Bùn nhão thì luôn chực đưa đuôi xe trượt ngang ra miệng vực.

Trên đường đi gặp một thanh niên dân tộc Mông đi bộ trên vách đá gần đường, chúng tôi ngỏ ý cho đi nhờ thì gã trai Mông cười ngoác miệng: "Cái xe của chúng mày đi chậm lắm. Tao đi bộ nhanh hơn!". Và quả đúng như lời gã nói, chúng tôi dù hì hục đánh vật cả tiếng đồng hồ thì vẫn thấy cái lưng áo thổ cẩm của gã người Mông lấp ló ở phía trước sau những vạt cây rừng.

Mây mù và băng, tuyết

Sau 4 giờ đồng hồ đánh vật trên cung đường tuần biên cao nhất Đông Dương, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt ở xã Y Tý, huyện Bát Xát. Vùng đất sương mù này nằm ở độ cao trên 2.000m, tựa vào dãy núi Nhù Cù San (núi con ngựa) có đỉnh cao tới 2.660m. Vì thế, thời điểm chúng tôi có mặt, nhiệt độ ở đây chỉ vào khoảng 2 độ C.

Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 273 đón chúng tôi bằng những cái bắt tay còn đọng cả mây mù. Vì đồn chính đang xây dựng nên những căn phòng tôn được dựng tạm trên khoảng đất rộng làm nơi ăn ở, làm việc càng khiến cho những cơn gió buốt giá có cơ hội luồn vào trong từng lớp áo ấm của chúng tôi làm nên cảm giác nhức nhối như dao cắt trên da thịt.

Người dân ở 3 xã vùng biên này chủ yếu là người Mông, Hà Nhì, Dao, Phù Lá nên dân trí thấp, trên 80% số hộ nghèo theo tiêu chí mới. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới được giao, các chiến sĩ biên phòng nơi đây còn đồng thời là kỹ sư nông nghiệp, thầy giáo, bác sĩ, chánh án, công an. Có lẽ cũng vì thế mà những người lính biên phòng bấy lâu nay vẫn được gọi một cách thân mật là "lính trong dân", "thầy giáo quân hàm xanh" hay "người hùng nơi biên ải".

Trung tá Ninh Xuân Trường - Chính trị viên Đồn 273 - cho biết: "Y Tý là một trong những địa bàn xa xôi nhất của tỉnh Lào Cai với thời tiết khắc nghiệt chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ có thể xuống đến 0 độ C cùng với sương mù dày đặc.

Mùa này năm ngoái, tuyết rơi vào tận sân đồn và đóng băng trắng trên các mái nhà khiến cho các vật nuôi, cây trồng đều chậm phát triển và chết rét. Tuy vậy, với nhiệm vụ được giao là bảo vệ biên giới, đường biên, cột mốc, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn phải đi tuần suốt 23km đường biên chạy dài qua 3 xã Y Tý, Ngải Thầu và A Lù.

Phương tiện tuần tra chủ yếu là đôi chân bởi đường núi khó đi lại thêm băng tuyết đóng, nếu có mang xe máy đi thì chỉ có người cõng xe chứ chẳng hy vọng gì xe có thể cõng người".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem