Hy sinh, thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nhà nông

Thứ hai, ngày 14/10/2013 06:33 AM (GMT+7)
Tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng lão tướng Nguyễn Quốc Thước - vị đại biểu Quốc hội của nông dân như ông tự nhận - vẫn đau đáu với thân phận của những nông dân. NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông nhân 83 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Bình luận 0
Thưa Trung tướng, ông đánh giá thế nào về vai trò của nông dân trong Cách mạng Tháng Tám?

- Tôi tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám, lúc đi biểu tình cướp chính quyền ở Nghệ An mới 17 tuổi, và đứng bên cạnh tôi lúc đó tuyệt đại đa số là nông dân, có một số sinh viên, học sinh, nhưng cũng xuất thân từ tầng lớp nông dân.

Đại bộ phận nông dân đời sống vẫn ở mức trung bình và dưới trung bình.
Đại bộ phận nông dân đời sống vẫn ở mức trung bình và dưới trung bình.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng nếu không có nông dân là lực lượng áp đảo thì sẽ không đơn giản, thậm chí không thành công. Cách mạng Tháng Tám thực chất là phong trào cách mạng của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Còn công nhân thực ra rất ít, một thành phố lớn như Vinh cũng chỉ có công nhân ở Nhà máy Đèn và Nhà máy Trường Thi, khoảng 200 người. Nhưng cuộc biểu tình ở đó lên tới 2 vạn người. Vậy còn ai ở đó ngoài nông dân?

Nhiều nhân sĩ, trí thức cũng xuất thân từ nông dân. Chúng ta tôn trọng họ, nhưng để đánh giá thì phải nói đến vai trò của nông dân. Bản thân tôi, sau này được học hành, trở thành đại biểu Quốc hội, nhưng bản chất vẫn là nông dân. Và tôi cũng tự hào nói với mọi người mình là nông dân. Vậy nên khi phát biểu trong các kỳ họp Quốc hội, bao giờ tôi cũng đấu tranh bảo vệ cho quyền lợi của nông dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nối tiếp là 2 cuộc kháng chiến, những người hy sinh ngoài chiến trường, cũng hầu hết là nông dân, con em nông dân.

Người nông dân hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rất nhiều nông dân phải từ bỏ cả mảnh ruộng bao đời cha ông để lại, bỏ lên thành phố mưu sinh bằng các công việc khác. Theo ông, phải làm gì để giúp người nông dân thoát khỏi tình cảnh hiện tại?

- Kháng chiến chống Mỹ thành công, bây giờ nhìn lại những người phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất vẫn là nông dân. Phải thừa nhận một thực tế, nông dân chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp – nông dân – nông thôn rất đúng đắn. Nhưng thực thi thì chưa đến nơi đến chốn, còn đánh trống bỏ dùi.

"Đất nước ta phát triển, đất nước ta giàu lên, nhưng nông dân vẫn nghèo. Mà cái nghèo tiêu biểu nhất là của nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số”.
Trung tướng
Nguyễn Quốc Thước


Đại bộ phận nông dân đời sống ở mức trung bình và dưới trung bình. Mặt bằng cuộc sống ở nông thôn và thành thị cách xa nhau quá nhiều. Một công nhân nghèo ở thành thị so với một nông dân nghèo ở nông thôn thì đời sống cũng đã rất khác nhau.

Tôi nghĩ rằng gần 40 năm đất nước thống nhất mà để tầng lớp nông dân như vậy là chưa thỏa đáng. Chúng ta đi làm cách mạng để giải phóng người nghèo, nhưng lại để cho khoảng cách giàu – nghèo lại càng xa thì điều đó chưa thỏa đáng. Người ta cứ khen bây giờ GDP tăng, thu nhập bình quân trên 1.000USD/người/năm. Nhưng trong cái nghìn đô ấy, thử hỏi người nông dân được mấy “đô”? Đất nước ta phát triển, đất nước ta giàu lên, nhưng nông dân vẫn nghèo. Mà cái nghèo tiêu biểu nhất là của nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

Hôm trước xem truyền hình, thấy hình ảnh ngôi trường ở vùng Tây Bắc mà rơi nước mắt. Chúng ta vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, vậy mà con em mình đi học trong một căn nhà đi mượn, phên tre rách nát thì không thể chấp nhận được. Chúng ta có nhiều tiến bộ, đấy chỉ là đối với tầng lớp trung lưu và tầng lớp trên thôi. Bác Hồ vẫn nói, độc lập rồi mà dân còn nghèo thì không có ý nghĩa gì. Điều đó đặt ra trách nhiệm rất lớn, rất nghiêm túc của Đảng, Nhà nước đối với tầng lớp nghèo, tầng lớp nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Đảng, Nhà nước phải quyết liệt hơn nữa.

Về giải pháp, theo tôi có 2 vấn đề chính phải quan tâm: Thứ nhất, nghèo mấy thì nghèo, nhưng toàn đất nước phải dồn sức bảo vệ cho được biển đảo của Tổ quốc. Thứ hai, phải dồn sức để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo. Đó là khoảng cách giữa người nông dân nghèo với các tầng lớp khác. Để thực hiện được điều này, những người lãnh đạo cần đặt chính mình vào hoàn cảnh của người nông dân để đồng cảm hơn với họ.

- Xin cảm ơn Trung tướng!


Thiên Việt - Lê Chiên (thực hiện) (Thiên Việt - Lê Chiên (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem