Hàng chục héc - ta đất nằm chờ 10 năm
Ngày 21.6.2007, ông Nguyễn Quốc Triệu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định phê duyệt QHCT KĐT mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), tỷ lệ 1/500. Theo đó, tổng diện tích đất trong ranh giới lập dự án KĐT mới xấp xỉ 23,9ha.
Trong tổng diện tích đất ở theo quy hoạch ngót 125.000m2, đất ở thuộc dự án KĐT mới (không tính phần đất thuộc khu di dân và đấu giá) đạt ngót 98.000m2 - diện tích đất ở cao tầng vào khoảng 49.000m2; thấp tầng gần 48.000m2 (biệt thự, nhà vườn). Khi đó, UDIC và Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Nội (đơn vị lập và hoàn thành quy hoạch dự án) được giao phối hợp với cơ quan chức năng để công bố QHCT.
Năm 2011, thông tin chính thức cho biết dự án có tổng mức đầu tư gần 1.655 tỷ đồng. Còn trên website của UDIC, con số này lại là 2.368 tỷ đồng
Tháng 7.2011, UBND TP Hà Nội ra quyết định 3431/QĐ-UBND, cho phép đầu tư KĐT mới Hoàng Văn Thụ. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 1.655 tỷ đồng được triển khai trên diện tích đất khoảng 225.621 m2, nhằm xây dựng KĐT mới Hoàng Văn Thụ văn minh hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - xã hội…theo đúng QHCT phê duyệt năm 2007. Dự án do UDIC làm chủ đầu tư, có thời gian thực hiện trong 5 năm (dự kiến đến Quý IV/2015).
Sau thời gian này, UDIC mau mắn triển khai các bước để thực hiện dự án (tháng 6.2012, đơn vị phối hợp UBND phường Thịnh Liệt và Ban Bồi thường GPMB quận Hoàng Mai tổ chức họp dân công khai dự án và chính sách GPMB). Tưởng chừng UDIC sẽ “băng băng” về đích, nhưng ít lâu sau đó (giữa năm 2015), dự án KĐT Hoàng Văn Thụ do UDIC làm chủ đầu tư bị TP Hà Nội nhắc nhở vì chậm triển kha (vướng mắc đền bù với một số hộ dân tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ).
Tới đầu 2017, dự án nhận quyết định mới từ Hà Nội. Cụ thể, tháng 4, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 2116/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể QHCT KĐT mới Hoàng Văn Thụ, tỷ lệ 1/500. Đầu tuần tháng 8, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể QHCT KĐT mới Hoàng Văn Thụ, tỷ lệ 1/500 trên nguyên tắc kế thừa một số nội dung của đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt năm 2007; cũng như phân tích, đề xuất giải pháp giải pháp phù hợp với định hướng phát triển theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô…
Đáng chú ý, pháp nhân đầu tư dự án KĐT Hoàng Văn Thụ đã thay đổi. Ngày 8.2.2017, UBND TP Hà Nội chấp thuận về chủ trương cho phép UDIC được góp vốn đầu tư, ngoài doanh nghiệp để hợp tác với Công ty CP Đầu tư & Thương mại Louis (công ty Louis), Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới (Công ty Ngôi nhà mới) thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (công ty Hoàng Mai) để thực hiện dự án KĐT mới Hoàng Văn Thụ.
Vì sao buông bỏ đất vàng?
"Đói vốn", UDIC đã nhường quyền “tự quyết” cho người ngoài tại dự án KĐT mới Hoàng Văn Thụ sau nhiều năm thai nghén?
Như vậy, với chấp thuận của Hà Nội hồi tháng 2, UDIC đã chính thức được góp vốn với 2 pháp nhân khác để cho ra đời Công ty Hoàng Mai nhằm thực hiện dự án. Tuy vậy, việc Hà Nội “bật đèn xanh” cho UDIC góp vốn, lập pháp nhân mới để đầu tư dự án ít nhiều có liên quan tới thông tin UDIC không có kinh phí thực hiện dự án Hoàng Văn Thụ. Cụ thể, tháng 9.2016, tại cuộc họp báo Thành ủy về công tác GPMB các dự án trên quận Hoàng Mai, lãnh đạo quận sở tại đã nêu đích danh dự án KĐT Hoàng Văn Thụ là một trong số các dự án chủ đầu tư không triển khai và không có kinh phí thực hiện.
Theo Báo cáo kết quả Kiểm toán Nhà nước 2016, UDIC sai sót trong trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi; có DN trực thuộc gặp nguy cơ ngừng hoạt động/giải thể; quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ quá hạn (215,66 tỷ đồng); nhiều dự án chậm tiến độ (UDIC Riverside 1 chậm 3 năm); chưa đủ hồ sơ pháp lý đất thuộc quản lý/sử dụng; chưa thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính về đất...
|
Tìm hiểu về công ty Hoàng Mai, hồ sơ cho thấy đơn vị này thành lập ngày 9.1.2017 (trước khi Hà Nội ra văn bản chấp thuận UDIC góp vốn, thành lập). Đáng chú ý, với mức vốn điều lệ 368 tỷ đồng, UDIC chỉ nắm 15% cổ phần chi phối. 85% còn lại thuộc về Công ty Louis và Công ty Ngôi nhà mới. Tạm hiểu, dựa vào cơ cấu chi phối, UDIC đã nhường quyền “tự quyết” cho người ngoài tại dự án KĐT mới Hoàng Văn Thụ sau nhiều năm thai nghén.
Đại diện pháp luật của Công ty Hoàng Mai là ông Lê Văn Vọng – nhân vật nắm quyền kiểm soát/tham gia ở cả 2 DN. Tại công ty Ngôi nhà mới (Tập đoàn Lã Vọng là công ty mẹ), ông Vọng nắm 97% cổ phần. Ở Công ty Louis, ông Vọng chỉ có mặt với vai trò cổ đông sáng lập (không sở hữu cổ phần) nhưng ghi nhận một cá nhân là ông Lê Văn Hải nắm 5,3% cổ phần. Khá thú vị, ông Hải chính là thành viên HĐQT của Tập đoàn Lã Vọng – do ông Vọng làm chủ tịch.
Ở cả 3 DN (Tập đoàn Lã Vọng, Công ty Louis, Công ty Ngôi nhà mới), các thành viên cốt cán/cổ đông sáng lập như ông Vọng, ông Vân, ông Hải đều mang họ Lê và đều có chung địa chỉ thường trú/địa chỉ trụ sở tại số 46, ngõ 306 Tây Sơn, quận Đống Đa.
Tập đoàn Lã Vọng từng ghi dấu bằng dự án nhà ở thương mại mang tên New House tại Hà Đông và Quốc Oai (bên cạnh tổ hợp nhà hàng Lã Vọng bị nhắc tên về tuân thủ pháp luật xây dựng). Trong đó, dự án (NewHouse Xa La) với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng... vừa lọt danh sách các dự án Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tham khảo thanh tra. Cụ thể, phần nghĩa vụ tài chính (hơn 27 tỷ đồng) khi chuyển đổi đất vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.