![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2010/images/2010-11-23/1435965187-h89d.jpg) |
Ảnh minh họa. |
Người sáng lập nên dòng nhạc được mệnh danh “ma túy số” này chính là Shaahin Cheyene. Năm 1997, dù chỉ mới 21 tuổi, nhưng Shaahin Cheyene đã lãnh đạo một tập đoàn xuyên quốc gia với tổng trị giá tài sản lên đến 350 triệu USD.
Với mong muốn đưa đến cuộc cách mạng về âm nhạc, Shaahin Cheyene cho ra đời CD dòng nhạc idosing, một sự kết hợp giữa các thiết bị kỹ thuật cao tạo nên cảm giác lạ cho người nghe như một thứ ảo giác. Ý tưởng và quyết tâm là vậy, nhưng “đáp án” của thị trường là sự thất bại nặng nề.
Thế nhưng, năm 2010, tức 13 năm sau ngày thể loại nhạc này ra đời, Idosing giờ lại tạo nên một “cơn địa chấn” đối với giới trẻ, không kể châu lục, màu da và tôn giáo... Chỉ cần có đường truyền Internet, máy tính và tai phone, thế là người ta được du dương trong cõi riêng của thứ “ma túy số” này.
Bên tách cà-phê, trao đổi về thể loại nhạc idosing với V.K, một sinh viên cũng thuộc dạng có tiếng sành điệu trong việc nghe nhạc, K. cho biết: “Dòng nhạc idosing này ban đầu cũng thuộc dạng kén người nghe lắm. Như em chẳng hạn, ban đầu đâu có thích, đến khi nghe quen rồi thì phải nói rằng rất ghiền, nhất là khi được trang bị headphone (tai nghe) càng xịn càng tốt, âm thanh thì vặn đến hết công suất... Vừa nghe vừa nhắm mắt lại, cứ thế bên điệu nhạc, trong bóng đêm giống như mình đang lạc vào thế giới khác”.
Còn chị H., là mẹ của M., một học sinh năm nay học lớp 10, cho biết: “Chẳng biết dạo này thế nào mà thằng M. nhà mình cứ sống tách biệt với gia đình, trừ những trường hợp gia đình cần sinh hoạt chung như ăn uống hay làm gì đó nó mới có mặt, không thì vào phòng, tắt đèn, đeo phone nghe nhạc, gật gù... không giống ai cả, học hành thì ngày càng sa sút. Sau này, lên mạng kiểm tra mới biết con mình đang mê dòng nhạc nghe đâu mới thịnh hành, dễ gây nghiện, nên tôi đã cấm tiệt từ đó đến nay”.
Theo những nhà nghiên cứu lý luận về âm nhạc thì Idosing là loại nhạc được tổng hợp tinh vi từ những âm thanh điện tử công nghệ cao, tạo nên cảm giác khác biệt cho người nghe, như tiếng đồi gió hú, âm thanh của bầy cừu, tiếng gào thét... pha trộn với nhau, lặp đi lặp lại, có tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, âm thanh “nhịp cho cả hai tai” (nghĩa là 2 tông nhạc khác nhau cùng được phát ra ở tần số âm hơi lệch nhau, làm cho người nghe cảm giác họ đang nghe một loại nhịp nhanh), lúc này cảm giác âm thanh của người nghe giống như được phát ra từ não.
Chính điều này làm cho người nghe cảm thấy thích thú, lâng lâng giống như đang dùng một thứ “tiên dược” để thoát khỏi cõi trần, nên người ta mới gọi dòng nhạc này là “ma túy số”.
Còn theo những nhà nghiên cứu xã hội học thì hiện tượng dòng nhạc Idosing gây “sốt” trong giới trẻ giống như chuỗi hiệu ứng về tâm lý đám đông, được hỗ trợ về mặt công nghệ mạng nên tính lan truyền trở nên nhanh chóng. Mặt khác, bản thân dòng nhạc tạo ra cảm giác kích thích trí tưởng tượng, gây tò mò, cộng với tình hiếu kỳ của lớp trẻ nên phần nào đó nó dễ trở nên phổ biến, nếu không muốn nói là gây nghiện.
Theo CAND
Vui lòng nhập nội dung bình luận.