IMF cho rằng chương trình trợ giá lúa gạo của Thái Lan đang hủy hoại niềm tin đối với nền tài chính Thái Lan. Trong một bản đánh giá thường niên về kinh tế Thái Lan, IMF cho rằng những thua lỗ trong chương trình này sẽ tiếp tục diễn ra nếu chính sách nêu trên không thay đổi. IMF cũng nhấn mạnh việc thiếu dữ liệu về chương trình thu mua gạo đã làm giảm lòng tin vào khu vực tài chính công của Thái Lan.
Ảnh minh họa. (Nguồn: chiangraitimes.com)
Chính phủ Thái Lan bắt đầu mua lúa từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường theo chương trình trợ cấp gạo gây tranh cãi kể từ tháng 10.2011. Tuy nhiên, giá cao hơn đã gây ra sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu (từ khoảng 10,6 triệu tấn trong năm 2011 xuống còn khoảng 7 triệu tấn vào năm 2012) và tồn kho dự trữ gạo của Chính phủ rất lớn, hiện vào khoảng 15 triệu tấn.
Thái Lan cũng đã gặp khó khăn khi bán gạo ra các thị trường quốc tế. Chương trình thu mua này đã khiến cho Chính phủ Thái Lan thiệt hại ít nhất 4,46 tỷ USD kể từ khi được áp dụng năm 2011.
Thái Lan hiện sản xuất khoảng 21 triệu tấn gạo từ hơn 11,1 triệu ha. Tổng mức tiêu thụ lúa gạo trong nước ước tính khoảng 10,6 triệu tấn. Sản lượng lúa bình quân khoảng 2,87 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với 4 tấn/ha mức trung bình toàn cầu.
Tuy nhiên, các quan chức Thái Lan cho rằng việc hạ thấp các mức giá cam kết hoặc giới hạn thu mua có thể là cần thiết nhằm duy trì chính sách này. Trước đó, Bộ Thương mại Thái Lan cũng cho biết Thái Lan không có ý định ngừng chương trình trợ cấp giá gạo. Theo Bộ này, chương trình trợ cấp gạo của Chính phủ nước này có thể tiếp tục vô thời hạn vì giúp cải thiện đời sống của nông dân trồng lúa trong cả nước và việc thua lỗ theo chương trình chỉ là một “giá nhỏ”.
Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan cũng tính đến những biện pháp khác để giảm tổn thất theo chương trình trợ cấp giá gạo, một trong số đó là giảm bớt diện tích trồng lúa hoặc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác. Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã xác định có khoảng 4,3 triệu ha đất không thích hợp cho trồng lúa. Theo chương trình được phác thảo, trong vòng 3 năm tới, những diện tích đất trồng lúa này sẽ chuyển sang trồng mía để phục vụ cho ngành công nghiệp mía đường.
Hạ Anh (tổng hợp) (Hạ Anh (tổng hợp))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.