"Bộ sáu" bao gồm năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức. Đoàn đại biểu Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu. Điều phối viên của "bộ sáu" là Đại diện cấp cao EU về Ngoại giao và Chính sách An ninh Catherine Ashton. Phái đoàn Iran do Tổng thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (SNSC) Saeed Jalili đứng đầu.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2013/images/2013-02-26/1436281615-2622013-thegioi--20iran.jpg) |
Vòng đàm phán lần thứ tư về hạt nhân Iran tại Kazakhstan ngày 26.2. Ảnh Reuters |
Theo lộ trình, nhóm P5+1 sẽ phải công nhận quyền làm giàu urani vì mục đích hòa bình của Iran và dần dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Iran đang phải hứng chịu. Đổi lại, Tehran phải giới hạn cấp độ làm giàu urani ở mức dưới 5%, hủy bỏ nguyên liệu hạt nhân cấp độ cao và cam kết chỉ sản xuất lượng urani vừa đủ cho nhu cầu dân sự. Iran cũng có thể phải chịu thêm các biện pháp giám sát để thể hiện sự minh bạch, những trách nhiệm mà các thành viên khác của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân không phải chịu.
Tuy nhiên, giới quan sát đã không có được cái nhìn lạc quan từ cuộc đàm phán lần này và cho rằng, tại Amalty chưa chắc mọi bất đồng đã được giải quyết triệt để.
Một ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán, trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách đối ngoại tại Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi cho biết chiến lược của Iran tại cuộc đàm phán sẽ là khẳng định quyền phát triển công nghệ hạt nhân bất chấp trừng phạt của phương Tây. Ông Boroujerdi cho biết: “Nếu phương Tây có đề xuất hợp lý, phái đoàn đàm phán của Iran đã chuẩn bị để thảo luận hơn nữa. Những nếu họ vẫn lặp lại những yêu cầu trước đây thì đàm phán sẽ chẳng đi tới đâu cả”.
Với việc phương Tây chưa sẵn lòng, trong khi Iran không thể đưa ra những nhượng bộ nghiêm túc, cả hai bên có thể sẽ lại đẩy vấn đề cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Trong bối cảnh này, cánh cửa đối thoại có thể sẽ được mở ra khi người kế nhiệm Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nắm quyền vào tháng 8 tới. Không phải vị tổng thống mới này sẽ có cách tiếp cận khác hoặc có nhiều ảnh hưởng, mà thực tế là nhà lãnh đạo tối cao Iran muốn thông qua vị tổng thống mới để thử nghiệm các sáng kiến mới và sẵn sàng đổ lỗi cho nhân vật này nếu các sáng kiến đó thất bại. Căng thẳng đối nội ở Iran có thể sẽ giảm bớt khi ông Ahmadinejad rời chính trường.
Điều này sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán vì Iran sẽ chỉ đàm phán nghiêm túc khi nhận thấy vị thế của mình tốt hơn.
Đối với phương Tây, vị tổng thống mới ở Iran sẽ không chỉ là gương mặt mới được chào đón, mà họ hy vọng một Iran hậu Ahmadinejad có nhiều khả năng đi đến một thỏa thuận hạt nhân. Điều này cũng tạo cơ hội cho việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận, đáp lại thiện chí của Iran.
Giới phân tích nhận định, ngoài việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân, để Iran và nhóm P5+1 đi đến một thỏa thuận giải quyết các vấn đề rộng hơn trong quan hệ giữa Tehran và phương Tây, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải truyền tải thông điệp rõ ràng tới người Iran rằng ông đang nghiêm túc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Iran và mạnh mẽ gắn những bước tiến trong vấn đề này với đối thoại chiến lược rộng hơn.
Trước mắt, để thể hiện rõ thiện chí của mình, ông Obama phải chống lại sức ép đòi tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng lên Tehran trong vòng 14 tháng qua đã làm tổn thương nền kinh tế nước này, cũng như làm giảm nguồn cung dầu và đẩy mạnh tỷ lệ lạm phát.
Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này không có tác dụng làm tê liệt Tehran như Washington dự kiến và đó cũng là lý do vì sao Tehran vẫn chưa có động thái thay đổi theo chiều hướng tích cực trong vấn đề hạt nhân của nước này.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.