Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang gia tăng sự hiện diện ở quốc gia Bắc Phi này bất chấp các đợt không kích của Nga và Mỹ tiến hành ở Syria. Thành phố ven bờ Địa Trung Hải được chúng chọn là bàn đạp để nhắm tới châu Âu. Từ thành phố Sirte bay tới Italia là gần nhất. Điều này đồng nghĩa với lo ngại mức độ khủng bố với các mục tiêu ở khu vực châu Âu sẽ được đẩy lên một nấc cao hơn.
IS trên những chiếc xe ở thành phố Sirte, Libya (Ảnh: AFP)
“Chúng ta đều biết IS đang tìm cách giết hại càng nhiều người phương Tây càng tốt. Nếu chúng dùng một chiếc xe hơi để đánh bom tự sát thì chúng hoàn toàn có thể làm như vậy với một chiếc máy bay; mục tiêu của chúng là gây thương vong nhiều nhất có thể”, đại tá Jacques Neriah, một chuyên gia về vấn đề Bắc Phi trả lời trên Fox News.
“Chúng tôi không nói về máy bay chiến đấu như F-16 hay Mig-31”, ông trả lời. “Chúng tôi nói về những phi công được đào tạo lái máy bay dân sự có thể lái một chiếc máy bay cỡ nhỏ rồi lao xuống Vatican. Từ Sirte tới Rome chỉ mất 1,5 tiếng bay qua biển Địa Trung Hải”.
Nhiều phiến quân đã tình nguyện gia nhập lực lượng IS tại Libya để mở rộng căn cứ ở đây. Các chuyên gia quân sự nhận định IS dự định dùng Libya làm vùng đệm nếu như trận chiến ở Syria và Iraq không mang lại kết quả khả quan cho chúng.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết hơn 3.500 công dân Libya đã rời bỏ đất nước để gia nhập IS ở Syria và Iraq. Trong đó, 800 người đã quay trở về Libya để gia nhập các lực lượng khủng bố ở địa phương. Sự chuyển dịch phiến quân người Libya cần một sự theo dõi sát sao nhằm đánh giá thực lực hiện nay của IS.
Một sân bay gần biển Địa Trung Hải ở Libya. Từ đây, việc di chuyển tới châu Âu là cực kì thuận tiện.
Tuần trước, The Wall Street Journal thông báo rằng Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris và phát biểu rằng “Châu Âu cần quan tâm nhiều hơn tới sự nổi dậy của IS tại Libya”.
Thông tin về việc IS đang đào tạo phi công xuất hiện đầu tuần trước trên tờ Asharq al-Awsat. Bài báo trích lời một nhân viên an ninh ở Libya cho biết Không quân nước này đã cố gắng tiêu diệt một trại huấn luyện ở Libya nhưng không thành công. Một nhóm khủng bố cực đoan người Sunni đã mua được những thiết bị giả lập huấn luyện phi công từ đầu tháng 10.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông báo rằng nguy cơ IS tiến hành leo thang hoạt động khủng bố Bắc Phi là có cơ sở. Nhất là khi hàng ngàn người nhập cư đã dùng thuyền cập bến châu Âu mấy năm trở lại đây. Hiện nay khu vực Bắc Phi rất nhiều người dân chạy nạn trước sự tàn ác và máu lạnh của IS.
“Trong khi tập trung phát triển thành lũy ở Sirte, IS có thể tìm kiếm các đồng minh để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ tại các khu vực khác, chưa kể việc dụ dỗ hàng ngàn phiến quân người nước ngoài đến Libya”, bài viết hôm 15.11 có đoạn viết. “IS là mối đe dọa thường trực của Libya. Chúng đang hưởng lợi từ tai tiếng gây ra ở Iraq và Syria”.
“Libya là một khu vực rất quan trọng với IS về mặt địa chính trị vì nằm ở ngã ba Trung Đông, châu Phi và châu Âu”, bản báo cáo cho hay. “Hiện tại IS chưa kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ ở Libya nhưng chắc chắn chúng đang thèm muốn mở rộng địa bàn ở quốc gia này”.
Nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp khẩn cấp phải được thực thi ngay để ngăn chặn IS. Ngoài Syria và Iraq, Libya là quốc gia còn lại mà IS đang kiểm soát. Chúng tập trung trọng điểm vào thành phố Sirte, nơi có nhiều mỏ dầu quan trọng. Trước đây chúng kiếm được hàng trăm triệu USD từ khai thác dầu ở Syria tuy nhiên việc bán dầu lậu ở Libya chưa mang lại kết quả.
Bản đồ cho thấy nếu IS chiếm được Sirte nói riêng và Libya nói chung, khoảng cách để chúng tiến công vào châu Âu sẽ là gần thế nào.
“IS từng cử một tàu ra nước ngoài bán dầu cách đây mấy tháng nhưng bị Hải quân Mỹ tịch thu và bắt giữ”, ông Neriah giải thích. “Ở thời điểm hiện tại chúng vẫn chưa thể buôn lậu dầu với số lượng lớn”.
Số lượng vũ khí khổng lồ sót lại từ thời Gaddafi đang tìm đường vào tay của những kẻ khủng bố. Nhiều vũ khí đã được tuồn ra Syria, Mali, dải Gaza… trong khi bằng chứng khác cho biết bán đảo Sinai (Ai Cập) là một nơi trung chuyển quan trọng để buôn bán vũ khí lậu.
Chính quyền Libya đã kêu gọi sự trợ giúp quốc tế tuy nhiên vẫn bị phớt lờ.
“Nhiều người nghĩ IS là một tổ chức khủng bố nhưng sự thật chúng là một nhà nước khủng bố. Chúng có đủ bộ máy của một nhà nước thực thụ”, ông Neriah kết luận. “Ở thành phố Mosul (Iraq), chúng thu giữ 2.500 xe bọc thép từ quân đội Iraq và đều là xe mới tinh do Mỹ sản xuất. Trong nội chiến Syria, IS đã sản xuất vũ khí hóa học và có bằng chứng cho thấy chúng tấn công phe chính phủ bằng loại vũ khí hủy diệt này. Rõ ràng chúng có khả năng huấn luyện binh lính như một nhà nước thực thụ”.
“Nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp bằng các biện pháp quân sự, tôi sợ rằng hậu quả diễn ra ở Libya sẽ là vô cùng bi đát”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.