"Trùm ISIS" thiệt mạng trong cuộc đột kích của Mỹ là ai?

Lê Phương (Aljazeera) Thứ bảy, ngày 05/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Al-Qurayshi được mệnh danh là 'Kẻ hủy diệt', người đã lãnh đạo ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông) đối đầu với Mỹ và các lực lượng đồng minh.
Bình luận 0
"Trùm ISIS" thiệt mạng trong cuộc đột kích của Mỹ là ai? - Ảnh 1.

Al-Qurayshi lên làm thủ lĩnh ISIL ngay sau khi người tiền nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi mất mạng vào năm 2019 ở Syria. Ảnh: AFP

Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi đã lãnh đạo ISIL (ISIS) từ trong bóng tối suốt hơn hai năm trước khi chết trong một cuộc đột kích của lực lượng Mỹ vào hang ổ của ông ta ở miền bắc Syria.

Được biết, quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch vào hôm thứ Tư (2/2), al-Qurayshi sau đó đã tự cho nổ bom, giết chết các thành viên trong gia đình của chính ông ta.

Al-Qurayshi, 45 tuổi, từng là thủ lĩnh quan trọng trong lực lượng tiền thân của ISIL, Nhà nước Hồi giáo Iraq - một chi nhánh của al-Qaeda - kể từ sau cuộc tấn công của Mỹ lật đổ Saddam Hussein năm 2003. Al-Qurayshi trở thành thủ lĩnh của ISIL ngay sau khi người tiền nhiệm của ông ta là Abu Bakr al-Baghdadi tự sát trong một chiến dịch của Mỹ vào năm 2019 ở Syria.

Các chiến binh của al-Baghdadi từng chiếm giữ một vùng rộng lớn ở Iraq và Syria vào năm 2014. Sau đó, ông ta tuyên bố trở thành "vương quốc Hồi giáo" từ một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Mosul của Iraq.

Không giống như người tiền nhiệm, al-Qurayshi lên lãnh đạo nhóm vào thời điểm ISIL đang chịu áp lực quân sự dữ dội từ các lực lượng do Mỹ dẫn đầu, Iraq cùng các lực lượng khác sau khi mất toàn bộ lãnh thổ mà nhóm từng kiểm soát.

Al-Qurayshi - còn có tên gọi khác là Abdullah Amir Mohammed Saeed al-Mawla và Hajji Abdullah Qardash - được coi là một kẻ điều hành tàn bạo. Phần lớn thời gian người đàn ông này hoạt động dưới tầm ngắm của tình báo Iraq và Mỹ cho đến khi trở thành thủ lĩnh ISIL.

'Kẻ hủy diệt tàn bạo'

Al-Qurayshi sinh năm 1976 tại Muhallabiya, một thị trấn nhỏ và là nơi sinh sống của dân tộc thiểu số Turkmen của Iraq ở phía tây Mosul, ông ta là con trai của một nhà thuyết giáo.

Là một sinh viên nghiên cứu Hồi giáo tại trường đại học ở Mosul, al-Qurayshi chuyên về hướng dẫn tôn giáo và luật học Hồi giáo hơn là học thuyết quân sự và an ninh của ISIL, tuy nhiên ông ta đã có kinh nghiệm thông qua việc tổ chức quân đội và là thành viên của các nhóm vũ trang, theo các quan chức an ninh Iraq.

Các quan chức an ninh Iraq cho biết tại một số thời điểm trong quá khứ, ông ta từng phục vụ trong quân đội của Saddam Hussein.

Al-Qurayshi tham gia cuộc nổi dậy vũ trang chống lại việc Mỹ chiếm đóng Iraq từ năm 2003 đến năm 2004, theo nghiên cứu của Feras Kilani, phóng viên BBC, người đã phỏng vấn al-Qurayshi và thực hiện cuộc điều tra về sự lãnh đạo của ISIL sau al-Baghdadi.

Năm 2008, các lực lượng Mỹ đã bắt được al-Qurayshi ở Mosul và giam giữ ông ta trong một cơ sở giam giữ của Mỹ có tên là Trại Bucca. Trại Bucca nổi tiếng là nơi giam giữ các tù nhân của al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo Iraq, bao gồm cả al-Baghdadi. Al-Qurayshi được thả vào năm 2009.

Năm 2014, al-Qurayshi đã giúp al-Baghdadi kiểm soát thành phố phía bắc Mosul, theo tổ chức tư vấn của Dự án Chống Chủ nghĩa Cực đoan (CEP). Tổ chức tư vấn cho biết al-Qurayshi "nhanh chóng khẳng định mình trong hàng ngũ cấp cao của lực lượng nổi dậy và được đặt biệt danh là 'Giáo sư' cũng như 'Kẻ hủy diệt'".

Ông ta được các thành viên ISIL nhận xét là một "nhà hoạch định chính sách tàn bạo" và chịu trách nhiệm "loại bỏ những người chống lại sự lãnh đạo của al-Baghdadi".

Các quan chức Mỹ mô tả al-Qurayshi chính là nguyên nhân đằng sau cuộc diệt chủng người Yazidis thiểu số năm 2014 ở miền bắc Iraq, đồng thời cho biết ông ta giám sát một mạng lưới các chi nhánh của ISIL từ châu Phi đến Afghanistan.

"Trùm ISIS" thiệt mạng trong cuộc đột kích của Mỹ là ai? - Ảnh 2.

Al-Qurayshi được mệnh danh là 'Giáo sư' và 'Kẻ hủy diệt'. Ảnh: The Guardian

ISIL sẽ tiếp tục

Các quan chức an ninh Iraq cho biết al-Qurayshi đã trốn qua biên giới tới Syria khi ISIL bị truy quét vào năm 2017 và từ đó ẩn náu ở những khu vực hẻo lánh, di chuyển khắp nơi để tránh bị phát hiện và cố gắng hồi sinh IS.

Michael Pregent, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, nói với Al Jazeera rằng cái chết của al-Qurayshi là một "cuộc tấn công mạnh mẽ" chống lại ISIL, tuy nhiên ông nói thêm rằng trong dài hạn tổ chức này vẫn là một mối lo ngại đáng kể.

Ông nói: "ISIL vẫn còn sống, chúng vẫn có khả năng tiến hành các hoạt động xuyên biên giới vào Iraq và cũng có thể hiện diện ở Syria".

ISIL được cho là đang chuẩn bị xem ai sẽ tiếp quản vị trí của al-Qurayshi. Nhóm vẫn chưa đưa ra bình luận về cái chết của ông ta.

Aaron Y Zelin, một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, nói với hãng tin Associated Press: "Điều quan trọng không phải là ai lãnh đạo, mà chính là lý tưởng của nhóm này. Tôi nghĩ rằng ISIL sẽ tiếp tục bất kể người lãnh đạo mới là ai".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem