Trong đó, Hà Nội có 2 người, Bắc Giang 5 người, Yên Bái 5 người, Sơn La 2 người… Nguyên nhân chết là do bị lũ cuốn, điện giật, sét đánh, sập nhà, đổ cây.
Cũng theo số liệu của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, mưa bão do hoàn lưu của bão số 5 gây ra đã gây ngập úng cho trên 30.500ha lúa mùa và hoa màu ở các tỉnh, thành miền Bắc bị ngập úng. Hiện nay, các địa phương đang chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi huy động lực lượng, phương tiện bơm thoát nước để ổn định sản xuất. Ngoài ra, bão cũng làm sập đổ gần 230 nhà, gây thiệt hại lên tới vài chục tỷ đồng, trong đó riêng tỉnh Sơn La thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
|
Một cây cổ thụ tại phố Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bị bật gốc đổ vắt ngang đường làm một chiếc ôtô bẹp và vỡ kính. |
Mưa bão liên tiếp trong những ngày qua cũng đã làm nhiều hệ thống đê sông ở một số tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ bị sạt lở. Tại tỉnh Bắc Giang, các biện pháp xử lý sự cố sạt lở đê tả Thương ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang và vỡ đê bao kênh Nham Biền, huyện Yên Dũng tiếp tục được triển khai.
Còn tại Hà Nội, đã xảy ra sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ (Đông Anh) dài 50m. Mưa lũ cũng làm xuất hiện sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả sông Rạng (Hải Dương) dài 25m, lấn sâu vào mái đê thượng lưu 1,3m. Tại Nam Định cũng đã xảy ra sự cố sạt lở kè Quy Phú thuộc đê hữu Hồng, huyện Nam Trực. Điểm này đã bị sạt lở khoảng 130m, sau đợt mưa vừa qua, sạt lở dài tới 180m.
Phạm vi sạt lở vào mái kè trước đây từ cao trình dương 2m nay đã sạt đến cao trình dương 2,8m so với cao trình đỉnh kè là dương 3m. Một trong những khó khăn đặt ra trong khắc phục sự cố sạt lở đê hiện nay là thiếu kinh phí.
Theo ông Vũ Văn Tú- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), trước các sự cố liên tiếp này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo các địa phương phải rà soát và xử lý ngay các sự cố. Theo đó, các địa phương có thể sử dụng vật tư tại chỗ trong PCLB để khắc phục. Đối với những địa phương khó khăn về ngân sách có thể huy động vốn từ các nguồn khác để khắc phục sự cố.
Trong khi đó, theo các cơ quan khí tượng, một cơn bão mới vừa xuất hiện ngoài khơi Philippines, có diễn biến gần như tương tự bão số 5. Cơn bão này có tên quốc tế Tembin, là cơn bão thứ 14 ở Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay. Dự báo, trong 1-2 ngày tới, bão được dự báo di chuyển chậm theo hướng bắc, mỗi giờ đi được 5-10km; sau chuyển hướng bắc - bắc tây bắc hướng vào đảo Đài Loan và sẽ mạnh lên cấp 12, giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng Biển Đông bắc Biển Đông từ ngày 21.8 sẽ có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 13-14 và có mưa dông; biển động dữ dội nguy hiểm đối với tàu thuyền. Theo ông Lê Thanh Hải- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc mới hình thành, bão số 5 cũng có diễn biến gần như tương tự nhưng cuối cùng đã đi vào nước ta. Vì thế, cơ quan khí tượng vẫn đang theo dõi sát hướng di chuyển của cơn bão Tembin.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.