Tỷ phú Jack Ma cùng đế chế Alibaba: “Không một ai có thể an toàn mãi mãi”

Huỳnh Dũng Thứ bảy, ngày 17/07/2021 09:53 AM (GMT+7)
Những nạn lớn mà tỷ phú Jack Ma cùng đế chế Alibaba, với các công ty, lĩnh vực kinh doanh khác của ông trải qua là một bài học đắt giá cho giới tỷ phú, doanh nhân một lần được nhìn lại ở nhiều khía cạnh hơn nữa.
Bình luận 0

Jack Ma cùng phát ngôn kéo theo vận may đi xuống bất ngờ

Sau nhiều phát ngôn chỉ trích chính quyền Trung Quốc, đế chế của tỷ phú Jack Ma hiện có giá trị giảm mạnh, lĩnh vực kinh doanh khác của ông thì bị chấn chỉnh, tất cả xảy ra từ nhiều nguyên nhân gốc rễ khác nhau.

Một năm trước, Ma là người giàu nhất Trung Quốc. Ông là nhà sáng lập Alibaba - công ty công nghệ lớn nhất nước này, và Ant Group - công ty Fintech lớn nhất thế giới. Công ty của ông đã đạt đến vị thế "siêu cường" ở khu vực tư nhân, ngang hàng với những "người khổng lồ" phương Tây. Alibaba được đánh giá là hơn bất kỳ công ty nào của Mỹ, trừ Apple, Amazon và Google.

Ma và hai công ty của ông ở Trung Quốc đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thậm chí đã ca ngợi lĩnh vực công nghệ đang nổi lên của nước này là "Kỷ nguyên của Ma".

Đế chế kinh doanh của Jack Ma đã có một kết cục buồn trước những hành động và chính sách của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: @AP.

Đế chế kinh doanh của Jack Ma đã có một kết cục buồn trước những hành động và chính sách của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: @AP.

Nhưng nào ngờ sự thay đổi đột ngột trong vận may của ông gần đây đã khiến nhiều người phải sốc. 

Khởi đầu là việc IPO Ant Group bị hủy

Quyết định hủy đợt chào bán công khai IPO của Ant Group vào phút chót được xem là phát súng mở đầu cho một loạt hành động cứng rắn nhắm vào Jack Ma. Nếu mọi việc theo đúng dự tính, đợt IPO này sẽ lập kỷ lục thế giới. Trên thực tế, đợt IPO của Alibaba năm 2014 cũng là lần chào bán có giá trị nhất thời điểm đó. Ant thậm chí được đánh giá sẽ vượt qua con số của Alibaba tới 40%.

Bản thân quy mô của thương vụ này được đánh giá là một sự "điên cuồng" thực sự. Giá cổ phiếu của Ant trên thị trường tư nhân tăng 50% trước ngày có hiệu lực và đợt chào bán được cho là vượt quá 80 lần lượng đăng ký. Trang Wall Street Journal gọi đó là "một cuộc tranh giành trị giá 3 nghìn tỷ USD".

Trong tâm trạng đắc thắng, Ma đã gọi thương vụ của Ant Group là "IPO lớn nhất trong lịch sử loài người. Hơn nữa, lần đầu tiên nó diễn ra ở một thành phố khác ngoài New York. Tưởng rằng, một điều kỳ diệu sắp xảy ra, nhưng cuối cùng thì thương vụ này thất bại hoàn toàn.

Tiếp sau đó, công ty của Jack Ma bị "chia 5, sẻ 7"

Sau cú sốc IPO, Ant Group bị buộc tái cơ cấu. Mảng tài chính tiêu dùng của công ty này phải tái cơ cấu với các "đối tác mới". Ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu Ant Group lập ra một công ty tài chính độc lập hoạt động dựa theo các yêu cầu về vốn tương tự các ngân hàng. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng quốc doanh lớn hoặc các định chế khác phải do Chính phủ quản lý công ty.

Các tài sản quý giá nhất của Ant Group cũng rơi vào "tầm ngắm", trong đó có cả dữ liệu từ hàng tỷ giao dịch tiêu dùng mà công ty này đã xử lý. Việc phân tích, quản lý kho dữ liệu này vốn được coi là nền tảng cạnh tranh của Ant Group so với các ngân hàng truyền thống trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Tất nhiên, nó cũng không tránh được mệnh lệnh "phải chấn chỉnh". Ngân hàng trung ương Trung Quốc đề nghị Ant Group phá bỏ "độc quyền thông tin" với kho dữ liệu tài chính tiêu dùng mà công ty này thu thập được.

Ảnh: @Pixabay.

Một số chuyên gia ủng hộ chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát Alibaba, Ant Group và những gã khổng lồ công nghệ khác. Ảnh: @Pixabay.

Không chỉ dừng tại đó, quỹ thị trường tiền tệ của Ant tiếp tục bị vô hiệu hóa

Yu'E Bao, quỹ thị trường tiền tệ do Ant Financial vận hành, quản lý, có lẽ là câu chuyện thành công tuyệt vời và bùng nổ nhất. Chỉ trong vòng bốn năm, quỹ này đã trở thành quỹ lớn nhất thế giới, vượt qua những "gã khổng lồ" của Mỹ như Fidelity và JP Morgan. Ant xây dựng quỹ bằng cách mời người tiêu dùng Trung Quốc gửi tiền dự phòng trong các tài khoản này.

Kể từ khi bị cho vào tầm ngắm, công việc kinh doanh của Ant rơi vào tình trạng suy thoái, thu hẹp 18% trong quý đầu tiên của năm nay và giảm gần 50% so với mức đỉnh điểm. Sự sụt giảm này không phải do các tác động thị trường "tự nhiên" hay sự thay đổi lãi suất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Quỹ thị trường tiền tệ của Ant Group đã bị thu hẹp xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm khi người dùng dần rút tiền khỏi nền tảng, trước quá trình điều tra của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp của Jack Ma. Ant được lệnh phải "tích cực giảm" quy mô của quỹ.

Và cú giáng phạt chống độc quyền mạnh tay nhất đối với Tập đoàn Alibaba

Vào tháng 4, mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD đã được áp dụng với công ty hàng đầu của Jack Ma - Alibaba - vì vi phạm chống độc quyền. Số tiền phạt nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại tài chính từ vụ IPO của Ant bị hủy bỏ. Tuy nhiên, việc mô tả hành vi phạm pháp Alibaba mới là điều quan trọng. Công ty bị buộc tội "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường" và một lần nữa, bị ra lệnh chấn chỉnh "hành vi của mình" và "thu hẹp hoạt động kinh doanh".

"Sự trừng phạt của cơ quan quản lý đối với Tập đoàn Alibaba là một động thái nhằm tiêu chuẩn hóa sự phát triển của công ty và đưa công ty đi đúng hướng, nhằm thanh lọc ngành và bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường", Cơ quan quản lý thị thường Trung Quốc nhận định.

Không chỉ nổi tiếng là nền tảng mua sắm trực tuyến, Alibaba còn sớm xây dựng một đế chế truyền thông bao gồm báo chí, phương tiện truyền thông kỹ thuật số và phát sóng, nền tảng mạng xã hội, trang mạng truyền phát video trực tiếp, công ty sản xuất phim và các công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo. Đối với Alibaba, những nền tảng truyền thông này là công cụ hiệu quả giúp thúc đẩy người dùng hướng tới các doanh nghiệp khác của mình, đặc biệt vào thời điểm các hãng công nghệ lớn đang cạnh tranh để xây dựng hệ sinh thái rộng lớn, từ thương mại điện tử cho đến giải trí.

Ảnh: @Pixabay.

Sự cố của tỷ phú Jack Ma có thể là bước ngoặt đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: @Pixabay.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng ngày càng tăng của truyền thông tư nhân trong việc tạo và phân phối nội dung, một quá trình vốn được Trung Quốc giám sát chặt chẽ, đang ngày càng khiến các nhà chức trách lo ngại. Trong đó, đế chế truyền thông của Jack Ma là đối tượng gây lo lắng đặc biệt cho Bắc Kinh. Trong suốt sự nghiệp của mình, người đàn ông 56 tuổi thường thách thức cơ sở quy định truyền thống bằng tầm nhìn tiên phong về tương lai. Nhưng khi Bắc Kinh chuyển sang kiềm chế quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, thì những ý tưởng tự do của người sáng lập Alibaba lại bị coi là gây rối.

Có thể thấy, nhà chức trách Trung Quốc còn mạnh tay áp đặt các hình phạt khác, dù có vẻ nhỏ nhưng lại ảnh hưởng nhất định tới đế chế của Jack Ma.

Ví dụ, trình duyệt UC Brower rất phổ biến của Alibaba và đứng thứ hai tại thị trường Trung Quốc với hơn 400 triệu người dùng đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng của hầu hết các công ty di động và Internet vào tháng 3. Hay đóng cửa Đại học Hupan. Cụ thể vào hồi tháng 4 năm nay, Jack Ma bị miễn nhiệm chức hiệu trưởng Đại học Hupan, một ngôi trường được tỷ phú này lập ra năm 2015 ở thành phố Hàng Châu. Hupan được thành lập với nhiều tham vọng táo bạo, hứa hẹn một phương thức tiếp cận mới cho giáo dục kinh doanh. Đại học Hupan nhanh chóng trở thành một trong những trường kinh doanh uy tín nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong một động thái được cho là nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Jack Ma, Trung Quốc đã yêu cầu Hupan ngừng tuyển sinh từ tháng 4 năm nay.

Giới doanh nhân công nghệ Trung Quốc lo sợ về điều đó

Theo Bloomberg, các doanh nhân và nhà đầu tư tại Trung Quốc tiết lộ nhiều công ty công nghệ Trung Quốc "lạnh gáy", khi chứng kiến chính quyền Bắc Kinh trừng phạt Alibaba và tỷ phú Jack Ma. Một chủ startup ở Chiết Giang thừa nhận ông đã thôi mơ ước đưa công ty công nghệ của mình lên tầm như Alibaba.

Ảnh: @Pixabay.

Ảnh: @Pixabay.

Một doanh nhân khác cho biết, ông không còn dám diễn thuyết trước công chúng và tập trung vào việc mở rộng mảng kinh doanh robot ở thị trường nước ngoài. Theo một nhà đầu tư mạo hiểm từng đổ tiền vào hàng chục startup, câu chuyện Jack Ma sẽ khiến các doanh nhân Trung Quốc dè chừng, đặc biệt những chủ doanh nghiệp đang cạnh tranh với công ty nhà nước.

"Sự cố của tỷ phú Jack Ma có thể là bước ngoặt đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Rebecca Fannin, người sáng lập nhóm nghiên cứu Silicon Dragon Ventures bình luận.

Giới doanh nhân Trung Quốc ra sức dè chừng, e ngại, khiêm nhường

Một số chuyên gia ủng hộ chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát Alibaba, Ant Group và những gã khổng lồ công nghệ khác. Họ cho rằng, cần phải loại bỏ các chiến thuật độc quyền triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, khi trả lời Bloomberg, hàng chục doanh nhân và nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc khác cũng bày tỏ sự lo ngại về sự mạnh tay của chính quyền Bắc Kinh. Một số thậm chí hạ thấp mục tiêu và cân nhắc lại xem liệu có nên tham gia vào các ngành công nghệ hay không.

Trên thực tế, không quốc gia nào trên thế giới phát triển được ngành công nghệ nếu không tạo điều kiện cho các doanh nhân và nhà sáng lập. Phó giáo sư Lizhi Liu tại Đại học Georgetown bình luận. "Rất khó để đạt được sự cân bằng cần thiết. Bao nhiêu quy định quản lý là đủ? Làm cách nào tránh việc đưa ra quá nhiều quy định đến mức cản trở đổi mới và tăng trưởng?", bà nhấn mạnh.

Trước đây, Jack Ma là tỷ phú công nghệ có vị thế hàng đầu tại Trung Quốc. Có rất ít nhà sáng lập người Trung Quốc thành công trước khi ông thành lập Alibaba hồi năm 1999. Vì thế, ở đất nước tỷ dân, Jack Ma giống như Jeff Bezos, Bill Gates và Steve Jobs cộng lại.

Biểu tượng thành công sụp đổ- bài học cảnh giác "thấu xương"

Sau tất cả, giờ đây giới doanh nhân Trung Quốc nhìn vào Jack Ma như một bài học cần cảnh giác.

Theo một nhà sáng lập công ty công nghệ ở Chiết Giang, trước đây nhóm doanh nhân địa phương thường tôn Jack ông Ma và gọi bằng tỷ phú này cái tên "thầy Ma". Nhưng giờ, họ không còn nói về nhà sáng lập Alibaba trong nhóm WeChat nữa.

Rút kinh nghiệm từ bài học của Jack Ma, ông này yêu cầu nhân viên ngừng gọi công ty mình là "lớn nhất" hoặc "tốt nhất" để tránh thu hút sự chú ý không cần thiết.

"Chính phủ nói rằng các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc và họ sẽ hỗ trợ hết sức. Nhưng thực tế là Bắc Kinh không tin tưởng các doanh nghiệp tư nhân", một nhà sáng lập ở tỉnh Chiết Giang than thở với trang Bloomberg.

Một doanh nhân điều hành công ty khởi nghiệp phần mềm khác cho biết đang tìm cách hợp tác với chính phủ. Ông phải mời chào các quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước mua cổ phần, thậm chí là phần lớn cổ phần.

Mới đây, một tờ báo nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi Pony Ma của Tencent, Ren Zhengfei của Huawei Technologies, Lei Jun của Xiaomi và các nhà sáng lập tỷ phú khác đã "mang luồng sinh khí mới cho cải cách kinh tế Trung Quốc". Tuy nhiên, Jack Ma - doanh nhân tỷ phú nổi tiếng nhất Trung Quốc lại không được đề cập đến.

"Sự cố của Jack Ma cho thấy, không một ai có thể an toàn mãi mãi", một vị doanh nhân đang lên kế hoạch mở rộng sang nước ngoài bình luận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem