Nguyễn Minh Út
Thứ tư, ngày 24/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Quê tôi ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Mẹ tôi kể lại rằng khi mẹ còn nhỏ, công cấy khi ra đồng ai nấy đều mặc áo dài. Thường là áo dài đen, vạt trước phải quấn ra sau như thế nào để che phủ hết phần mông khi khom lưng cấy mới được.
Hồi ấy vải "tám" có màu trắng, muốn có màu đen phải hái lá bần nấu sôi nhúng vào nhuộm, rồi đem ngâm trong bùn (đất) khoảng một tháng cho chắc vải, sau đó lấy lên giặt sạch để dùng được lâu.
Nghe mẹ kể rồi hình dung lại, tôi mới thấy cái cảnh cấy xưa kia sao mà nó đẹp thanh thoát, ngọt ngào quá! Đôi khi tôi tự nghĩ cũng không là cường điệu khi gọi đó là nét "văn hoá cấy" hay nói một cách chung chung là "văn hóa ruộng đồng".
Đi cấy, dù cấy đồng gần hay đồng xa, sáng nào người nông dân cũng phải thức từ 3 giờ sáng để nấu cơm nếp mang theo ăn.
Có lần tôi hỏi mẹ đi cấy như vậy có cực không? Mẹ bảo cực thì có cực nhưng cũng vui lắm! Nhiều khi ông ngoại không cho đi nhưng mẹ cứ trốn ông mà đi theo cùng người hàng xóm.
Hỏi mẹ tôi mới biết, tại sao không phải chỉ riêng mẹ mà hầu hết người nông dân thời ấy người nào cũng "mê" đi cấy. Hễ có đi cấy rồi thì mùa cấy năm nào cũng phải theo cho tới mãn mới thôi.
Cái khiến cho người nông dân "mê" đi cấy là mê vạn và mê hò.
Vạn tức là vạn cấy, mỗi vạn cấy có khoảng 15-20 người có khi lên tới 30 người, bởi vậy mà đôi khi người đầu tiên bắt đầu xuống ruộng cấy thì mươi mười lăm phút sau người cuối cùng mới xuống ruộng. Công cấy khi cấy phải giữ đúng nhịp. Nghĩa là người cấy bìa trong phải theo người cấy bìa ngoài, gọi là cấy "leo dây". Chủ ruộng kiểm tra công cấy có "giựt" hàng lui làm mất hàng lúa hay không cứ nhìn vào đám cấy có leo dây hay không là biết ngay.
Từ lúc xuống ruộng cho tới chiều lúc nào cũng không ngớt những câu hò đối đáp nên bao nhiêu mệt nhọc, lo toan trong cuộc sống đều tan biến theo những câu hò. Theo mẹ, nếu ai biết truyện xưa thì cứ lấy tích xưa mà hò, ai có khả năng hò ứng khẩu cũng tốt. Công cấy ai cũng thuộc nằm lòng hàng trăm câu hò, đó là chưa nói qua nhiều mùa cấy có thể ứng khẩu hò môi.
Trong ký ức một thời đi cấy, mẹ không ngại hò cho tôi nghe những khi tôi muốn tìm hiểu.
- Hò…hơ…ơ… Thân tôi thác thể giường ngà,
Thân ông chiếu rách…ờ…Hò ..hơ…hớ…Thân ông chiếu rách có mà mơ cao.
- Hò…hơ…ơ…Vái trời cho gió thổi mau,
Cho manh chiếu rách…ờ….hò…hơ…ớ…cho manh chiếu rách nằm cao trên giường ngà.
Mẹ bảo đó là hò đối đáp truyện ông Trạng Tiên Bữu.
Mẹ kể, ngày xưa có một nàng con gái sắc nước hương trời, hay chữ, nhưng tính nết lại rất kiêu kỳ nên không có một chàng trai nào trong làng đụng tới chéo áo nàng được. Một hôm, có một ông già tuổi ngoại 60 cứ theo nàng mà ve vãn đòi làm chồng. Nực cười lẫn xem thường ông, nàng đặt điều kiện: Nếu đối đáp hơn nàng, nàng sẽ nhận ông làm chồng. Suốt một ngày hò đối đáp, cho dù rất cố gắng nàng cũng phải chịu thua ông. Nhưng nàng không giữ chữ tín lấy ông làm chồng cho dù ông hết mực nài nỉ van xin. Cuối cùng ông dùng phép thuật hiện ra là một chàng trai khôi ngô tuấn tú rồi biến mất. Từ đó nàng sinh bệnh tương tư mà chết.
Rồi như chìm sâu vào ký ức. Mẹ hò tiếp:
- Hò…hơ…ơ… Ngó lên trời trời cao lồng lộng
Ngó xuống đất đất rộng thênh thang
Anh Hai ơi! Anh đi đâu mà vội mà vàng
Dừng chân đứng lại…ờ…hò…hơ…ớ…dừng chân đứng lại cho đôi đàng cảm thông.
- Hò…hơ…ơ…Trên trời cao mây trắng lượn lờ
Dưới mặt đất con nước hửng hờ trôi xuôi
Mặc tình nước chảy mây trôi
Nước mây đôi ngả đôi đường…ờ…hò…hơ…ớ…đôi đường đôi ngả chớ đôi lời làm sao!
Hò đối đáp có thể là những câu lục bát, cũng có thể là song thất lục bát, hoặc cả hai cùng biến thể cho tròn ý.
Chuyện cấy ngày xưa là như vậy, bây giờ và mãi về sau chắc nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc ấy chỉ còn thấy qua những trang giấy trắng. Uổng thật! Nhưng làm sao nó tồn tại được trong một nền nông nghiệp tiến bộ, phương pháp canh tác càng ngày càng hiện đại, từ lúa mùa sang lúa 2-3 vụ trong năm, năng suất tăng gấp 4-5 lần so với năng suất cách nay chỉ vài thập kỷ.
Một điều có thể nói vui rằng, cháu chắt của chúng ta chẳng hiểu từ "cấy" là gì nếu chúng không tra tự điển.
Lớp trẻ thời nay hầu hết đi làm công nhân các xí nghiệp ở quanh vùng, người già cũng chẳng có bao nhiêu nhưng đâu phải ai cũng còn đủ sức để đi cấy. Vậy là trước sau gì quê tôi cũng chẳng còn thấy công cấy nữa.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.