Đã rẻ lại còn vui
Ở EURO 2012, vé hạng bét xem một trận vòng bảng đã có giá 25 euro. Nhưng ra khu Fanzone, vé vào cổng chỉ bẳng 1/10. Chả thế mà ông bạn Hans van Maijsen người Hà Lan mà tôi mới quen khi hỏi đường phố Ba Lan (dù “mù đường” như nhau cả) khẳng định: “Tiền tớ có hạn. Cũng thích đến Krakow (nơi đội tuyển Hà Lan đang đóng quân) lắm, nhưng tớ cứ ở Fanzone tại Warsaw này là hay nhất. Trận nào xem cũng vui”.
|
Các cổ động viên tại cổng ra vào khu Fan Zone. |
Nói thế, nhưng kiến trúc sư 29 tuổi Maijsen cũng thòng thêm: “Nếu Hà Lan mà vào chung kết, tớ sẽ chi tiền mời cậu sang Kiev (Ukraina, nơi tổ chức trận chung kết) xem cho vui”. Chả biết Maijsen nói thật hay đùa, nhưng nghe cũng sướng tai.
Ở Warsaw hiện tại, công tác an ninh xung quanh sân được thắt chặt tối đa. Cứ cách 100m lại có một camera ghi hình, cách 500m lại có một trạm an ninh với xe cảnh sát, xe cứu thương. Thế nên, với những ai hạn hẹp về tài chính, thích vui thì cứ ra Fanzone.
Bởi vậy, ông bạn Paulo Mota (người Bồ Đào Nha), sau khi bắt chuyện về… Công Vinh thời đá cho CLB Leixoes và làm quen với tôi đã nói rất tự hào: “Nhờ Bồ Đào Nha của tớ tại EURO 2004 nên mới có Fanzone đấy nhé”. Nghe Mota nói thế, tôi còn biết nói gì ngoài cái gật đầu và lời công nhận: “Ông nói chí phải!”.
Tứ hải giai huynh đệ
Fanzone ở Warsaw mà tôi đặt chân đến ở ngay trung tâm thủ đô, nơi có nhiều công trình kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Ba Lan. Từ Fanzone nhìn sang đã thấy Cung Văn hóa khoa học, tòa nhà cao nhất Ba Lan (cao 231m với 42 tầng), nhà ga trung tâm Warsaw - nơi các cổ động viên “nhảy tàu” là có thể tới các địa điểm tổ chức EURO khác tại Ba Lan là Poznan, Gdansk và Wroclaw. Những ai mới sang Ba Lan nên nhớ, đi tàu không tính tiền bằng quãng đường mà tính bằng… phút nên ai đi phải tự ước lượng thời gian để mua vé bằng tiền zloty (mỗi zloty tương đương 7.000 đồng).
Cứ tưởng người Âu ít biết món ăn Việt, nhưng ở khu Fanzone, các cổ động viên người châu Âu khi biết tôi là người Việt Nam đều háo hức hỏi: “Cậu có biết nấu phở và làm nem cuốn không?”. Hóa ra, ở đâu cũng thế, có thực mới vực được đạo!
Xa mà bỗng lại hóa gần. Cứ anh nào lớ nga lớ ngớ, thậm chí ngôn ngữ bất đồng, chỉ cần cố học được mấy chữ tiếng Anh cơ bản kiểu: “Hello” (Xin chào), “How are you” (Bạn có khỏe không), “I like football” (Tôi thích bóng đá) và đặc biệt là… “Can you drink beer?” (Cậu uống bia được chứ?) là chẳng riêng người Âu, người Á, người Phi, người Mỹ gì mà bất cứ ai cũng trở thành bạn tuốt luốt. Thế mới hay và “đúng là khẩu khí của những người đam mê bóng đá” - anh bạn Robbie Hangeland người Ireland (quốc gia nổi tiếng về khả năng... nhậu) của tôi bảo vậy.
Ra Fanzone, tôi - một người Việt Nam bỗng quen rất nhiều bạn bè ở năm châu bốn bể mà ngày thường, có lẽ tôi cũng như họ chẳng biết ai với ai. Tôi đã hẹn với các ông bạn “mắt xanh, mũi lõ” rằng: “Mai qua chỗ tớ ăn phở nhé” và ai cũng nhiệt liệt hưởng ứng.
Vũ Cường (từ Warsaw)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.