Kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn của Đức

P.V (theo TTXVN) Thứ hai, ngày 11/07/2022 14:27 PM (GMT+7)
Ngày 23/6, Đức đã chuyển sang giai đoạn hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn sau khi Nga giảm lượng giao hàng qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (NS1).
Bình luận 0

Động thái diễn ra trong bối cảnh việc bảo trì hàng năm của NS1 bắt đầu vào ngày 11/7 và sẽ kéo dài trong hai tuần. Đức đang nỗ lực chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung từ NS1 bị cắt hoàn toàn hoặc gián đoạn do xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt. Trước tình hình này, Bộ Kinh tế Đức đã đưa ra kế hoạch ba giai đoạn và nền kinh tế hàng đầu châu Âu có thể chuyển sang giai đoạn ba bất kỳ lúc nào trong tương lai.

Kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn của Đức - Ảnh 1.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Giai đoạn cảnh báo sớm 

Giai đoạn này được kích hoạt vào ngày 30/3. Điều kiện kích hoạt là có dấu hiệu cụ thể, nghiêm trọng và đáng tin cậy rằng một sự kiện có thể xảy ra và dẫn tới tình trạng nguồn cung khí đốt xấu đi đáng kể và có thể đến mức báo động hoặc khẩn cấp.

Các nhà khai thác hệ thống truyền dẫn khí đốt (TSO), điều hành mạng lưới khí đốt, bắt đầu cập nhật cho Bộ Kinh tế Đức về tình hình cung cấp. Các nhà khai thác hệ thống truyền dẫn điện cũng bắt đầu phối hợp để giữ ổn định lưới điện trong trường hợp khí đốt đến các trạm điện giảm và sản lượng giảm. Chính phủ Đức cũng thông báo cho Ủy ban châu Âu về các biện pháp tiếp theo của nước này.

Giai đoạn báo động

Giai đoạn này được khởi động vào ngày 23/6 sau khi nguồn cung từ NS1 giảm 60% sau sự cố sửa chữa tuabin. Văn bản chính thức cho biết có sự gián đoạn trong nguồn cung khí đốt hoặc nhu cầu khí đốt đặc biệt cao dẫn đến nguồn cung khí đốt giảm đáng kể, nhưng thị trường vẫn có thể đối phó với tình trạng gián đoạn mà không cần thực hiện các biện pháp phi thị trường.

Bộ Kinh tế Đức đã ngừng kích hoạt một điều khoản có thể cho phép các công ty điện nước chuyển gánh nặng chi phí tăng cao từ việc mua khí đốt trên thị trường giao ngay để đáp ứng các nghĩa vụ cung cấp cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp.

Một dự luật được Hạ viện thông qua vào ngày 7/7 và được Thượng viện thông qua vào ngày 8/7 bao gồm các phương án khởi động cơ chế chia sẻ giá để mang lại lợi ích cho tất cả người tiêu dùng thay vì để giá cao hơn ảnh hưởng đến các lĩnh vực riêng lẻ trong chuỗi giá trị.

Giai đoạn khẩn cấp

Giai đoạn này sẽ được thực hiện khi nhu cầu về khí đốt đặc biệt cao, nguồn cung gián đoạn đáng kể và tất cả các biện pháp dựa trên thị trường liên quan đã được thực hiện, nhưng nguồn cung vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu, do đó, cần phải thực hiện các biện pháp bổ sung phi thị trường, để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho các khách hàng.

Sự can thiệp của nhà nước sẽ bắt đầu khi các nguyên tắc cơ bản của thị trường không còn phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý mạng lưới của Đức, Bundesnetzagentur sẽ phân bổ lại nguồn cung khí đốt, nhằm bảo vệ khách hàng và giảm thiểu thiệt hại. Nói chung, trước hết, nguồn cung cho ngành công nghiệp sẽ bị cắt giảm, trong khi các hộ gia đình và các cơ sở quan trọng như bệnh viện tiếp tục nhận được nguồn cung khí đốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem