Cần có đối sách phòng chống hoạt động xuyên tạc, phá hoại bầu cử
Cần có đối sách phòng chống hoạt động xuyên tạc, phá hoại bầu cử
PVCT
Thứ hai, ngày 22/03/2021 18:29 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân, cần có đối sách phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, phá hoại bầu cử, gây rối an ninh trật tự.
Ngày 22/3, Hội đồng Bầu cử quốc gia họp phiên thứ tư dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
Quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu, kết hợp cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, chú ý thành phần đại biểu là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội.
Nói về công tác an ninh cho bầu cử, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng Công an đã thực hiện các kế hoạch, chương trình đề ra, không để xảy ra bất ngờ trong mọi tình huống, kể cả vùng biên giới, hải đảo, các vùng trọng điểm về an ninh trật tự. Đồng thời, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, đưa các thông tin không chính xác để chống phá cuộc bầu cử. Hiện lực lượng Công an đang nắm bắt tình hình và chưa có khó khăn gì.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lưu ý, cần có các kịch bản trong thời gian bầu cử phát sinh tình hình dịch Covid-19. Cần phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý tích cực, hiệu quả. Các cơ quan chức năng cũng phải dùng nhiều biện pháp để quyết liệt đấu tranh với các thông tin sai trái, xuất hiện trên mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động về bầu cử.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Tới đây, sẽ tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Theo ông, để Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 thành công cần hết sức cẩn thận, tỉ mỉ trong việc lập biểu bảng danh sách, tránh nhầm lẫn tên tuổi, chức vụ, trình độ, quá trình công tác. Đồng thời, cung cấp thông tin tương đối đầy đủ để cho đại biểu dự họp theo quy định của pháp luật.
"Làm sao đừng để hội nghị hiệp thương của Đoàn Chủ tịch, của Mặt trận là hình thức. Đây là vấn đề đặt ra để chúng ta phát huy thực sự dân chủ", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ nói.
Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thảo luận và quyết định thông qua: Nghị quyết hướng dẫn xử lý trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng; Nghị quyết nguyên tắc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV ở Trung ương về ứng cử tại địa phương...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, công tác tổ chức bầu cử trong phạm vi cả nước đã và đang được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Đề cập đến các nhiệm vụ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần quan tâm xây dựng kịch bản về phòng, chống dịch bệnh Covid -19, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân thực hiện quyền bầu cử, kể cả những người thuộc đối tượng phải cách ly.
Bên cạnh đó cần có đối sách phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, phá hoại bầu cử, gây rối an ninh trật tự; quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, công khai, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia xin ý kiến các cơ quan có liên quan để hướng dẫn chi tiết việc công bố bản kê khai tài sản của ứng cử viên bảo đảm đúng quy định.
"Việc hướng dẫn công khai bản kê khai tài sản như thế nào phải làm cho kỹ, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp về quyền tài sản của mỗi cá nhân", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.