Ông Trương Trọng Nghĩa cho biết: Để phát hiện tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng, thứ nhất Việt Nam cần phải mau chóng hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt, hiện chúng ta vẫn còn thanh toán tiền mặt khá nhiều. Khi tiến hành thanh toán chuyển khoản thì chúng ta kiểm soát được dễ dàng. Nếu ai mang một khoản tiền mặt lớn đi mua cái này, cái kia sẽ bị xem xét ngay.
Sai phạm trong việc mua ụ nổi 83M đã gây thiệt hại hơn 360 tỷ đồng khó thu hồi được. Ảnh: Tư liệu
Vấn đề thứ hai là việc kiểm kê tài sản của cán bộ, công chức. Cho đến nay chúng ta mới chỉ có kê khai tài sản của cán bộ, công chức mà chưa kiểm kê, chưa kiểm tra, chưa có đánh giá phân tích, chưa có truy tìm nguồn gốc của tài sản. Đánh giá phân tích tài sản của người kê khai không chỉ với trường hợp bất thường mà cả trường hợp bình thường cũng phải tiến hành truy tìm nguồn gốc.
Ví dụ một quan chức ở cấp bộ công tác 20 năm, một trưởng phòng ngành công an, thuế... công tác 20 -30 năm trong nhà nước cho đến khi về hưu thì làm sao có được những tài sản như biệt thự, mấy căn hộ, xe hơi, tiền đâu cho con đi học ở nước ngoài? Chính vì thế phải tiến tới xây dựng quy trình kiểm tra rồi phân tích, cuối cùng buộc người kê khai giải trình nguồn gốc khối tài sản đấy. Việc kiểm kê, kiểm tra, phân tích, đánh giá, truy tìm nguồn gốc tài sản không nhất thiết phải công bố, cứ thực hiện trong nội bộ, còn có sai phạm phải xử lý thì công bố sau. Việc này cũng không nên làm đại trà bởi khó có thể làm hết được, chỉ nên tập trung làm ở những cấp, ngành có thể xảy ra tham nhũng lớn.
Hiện dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự có đề xuất biện pháp điều tra đặc biệt. Trong công tác phòng chống tham nhũng có cần đến biện pháp này không, thưa ông?
- Cần trao một số quyền đặc biệt cho cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra. Trong những quyền đặc biệt này có thẩm quyền theo dõi mang tính chất bí mật, theo dõi ra nước ngoài, ở các ngân hàng nước ngoài. Ví dụ có thông tin một quan chức mua căn hộ 500.000USD ở Mỹ con ông này đang học và sống ở đó, nếu điều tra, xác minh đúng như vậy cứ về hỏi vị quan chức tiền đâu để mua được tài sản đó. Khi kiểm tra tài sản của cán bộ thấy có dấu hiệu thì phải cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, muốn vậy phải có thẩm quyền.
Quan điểm
Cần trao một số quyền đặc biệt cho cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra. Trong những quyền đặc biệt này có thẩm quyền theo dõi mang tính chất bí mật, theo dõi ra nước ngoài, ở các ngân hàng nước ngoài.
Thẩm quyền điều tra đặc biệt còn bao gồm cả điều tra tài sản của những người thân có liên quan, bởi có những người tham nhũng thường cho cha mẹ, vợ con, anh em đứng tên tài sản mà họ phạm tội mà có.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có đề xuất không thi hành án tử hình đối với người sau khi bị kết án chủ động khắc phục hậu quả, nộp cho nhà nước ít nhất 2/3 số tiền, tài sản do phạm tội mà có. Đây có phải là giải pháp góp phần thu hồi tài sản của tội danh liên quan đến tham nhũng không, thưa ông?
- Theo tôi đây là làm ngược, bởi vì trong lúc anh đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang bị điều tra, truy tố mà anh ra sức khắc phục hậu quả thì mới là tình tiết giảm nhẹ. Còn đằng này đã bị kết án tử hình rồi mới mang tiền đi nộp thì dư luận phản ứng cho rằng lấy tiền để chuộc tội chết.
Khắc phục hậu quả để hưởng tình tiết giảm nhẹ đã có ở Bộ luật Hình sự hiện hành, nhưng giờ quy định rõ hơn vào nhóm tội tham nhũng. Tuy nhiên việc khắc phục thiệt hại phải thực hiện ngay từ trong quá trình điều tra, truy tố mới có ý nghĩa, mới được xem xét, còn quá trình này người phạm tội lại ngoan cố, bị kết án rồi, thấy bị tử hình mới mang tiền đi nộp thì còn có ý nghĩa gì. Quy định như dự thảo luật là không nên bởi nó chỉ tạo thuận lợi cho người có nhiều tiền.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.