Kẻ sát nhân gây án vì thua lỗ cổ phiếu: Nỗi đau của người chồng

Chủ nhật, ngày 08/09/2019 12:33 PM (GMT+7)
Luật sư Isao Okamura (72 tuổi, Nhật Bản) hoảng hốt khi thấy thi thể vợ ở trước nhà nhưng nén đau thương không bước tới.
Bình luận 0

Vụ án được phát hiện vào rạng sáng 11/10/1997. Nạn nhân là bà Manae Okamura, 65 tuổi. Tiền mặt và đồ đạc có giá trị trong nhà đều còn nguyên. Cảnh sát nhận định đây là vụ giết người vì thù hận. Nạn nhân vừa ra mở cửa thì bị tấn công, có thể hung thủ đã tìm cách lừa bà ra mở cửa.

Việc điều tra tập trung vào những người có mâu thuẫn với vợ chồng Okamura, một cái tên nhanh chóng xuất hiện: Hisashi Nishida.

Năm 1991, Nishida mua hơn 100 triệu Yên tiền cổ phiếu tại công ty chứng khoán Yamaichi, nơi luật sư Isao Okamura làm cố vấn pháp luật. Năm 1993, Nishida phải ngồi tù vì tội tống tiền người khác. Từ trong tù, Nishida viết thư cho công ty Yamaichi yêu cầu bán cổ phiếu để cắt lỗ trong khi kinh tế suy thoái, nhưng do anh ta đang thi hành án, không thể cung cấp đủ các giấy tờ ủy quyền nên bị từ chối.

Ra tù vào năm 1996, Nishida thường xuyên đến công ty Yamaichi gây sự, đe dọa các nhân viên công ty. Sau nhiều lần dàn xếp không có kết quả, công ty Yamaichi đành phải nhờ đến sự hỗ trợ của Isao Okamura.

Isao Okamura sau đó đến gặp Nishida, nói sẽ kiện hắn ra tòa nếu hắn còn tiếp tục gây rối. Cũng từ đó, Nishida coi Isao Okamura là kẻ thù.

Qua điều tra, cảnh sát phát hiện khoảng 6h tối hôm trước khi xảy ra án mạng, một số học sinh đi qua nhà Okamura nhìn thấy một người đàn ông khoảng 60 tuổi ôm thùng các-tông nhảy lên xe máy đi mất. Theo mô tả, người này rất giống Nishida, khi đó 63 tuổi. Hơn nữa, trên chiếc thuyền bị vứt bỏ tại kênh đào gần nhà Nishida, cảnh sát tìm được chiếc xe máy bị dính máu trên yên xe. Biển kiểm soát cho thấy đây là xe do Nishida thuê.

Đã đủ chứng cứ, cảnh sát bắt Nishida do tình nghi sát hại bà Manae Okamura một tuần sau vụ án. Nishida thừa nhận đã gây án.

Theo Nishida, hắn định đến nhà để giết ông Isao, nhưng người ra mở cửa lại là bà Manae. Hôm đó hắn đi xe máy thuê đến gần nhà Isao Okamura, thay trang phục của nhân viên chuyển phát nhanh rồi ôm thùng các-tông đến bấm chuông. Sau khi gây án, hắn chạy ra ngoài va vào chậu lan làm chậu lan rơi vỡ.

Bên cạnh cái chết của vợ Isao, cảnh sát còn nghi ngờ Nishida liên quan đến cái chết của trưởng phòng tư vấn khách hàng công ty Yamaichi vào hai tháng trước. Nạn nhân là người đứng ra giải quyết mỗi khi Nishida đến công ty gây rối. Tuy nhiên cảnh sát không thể tìm thêm bằng chứng buộc tội nên không thể khởi tố Nishida.

Tháng 2/1998, tòa án thành phố Tokyo mở phiên xét xử vụ án giết bà Manae. Đây là lần đầu tiên luật sư Isao Okamura xuất hiện tại tòa án với tư cách người nhà nạn nhân. Không giống những lần trước, lần này ông chỉ có thể ngồi im lặng nhìn công tố viên và luật sư tranh luận, không được tiếp xúc với hồ sơ vụ án và tài liệu liên quan. Sau khi phiên tòa kết thúc, ông đề nghị được xem biên bản xét xử nhưng bị từ chối vì pháp luật không quy định bị hại có quyền này.

img

Luật sư Isao Okamura. Ảnh: Japan Times.

Từng tham dự nhiều phiên tòa, nhưng đến lúc này Isao Okamura mới biết người bị hại và người nhà của họ nằm ở thế yếu như thế nào. Trong luật tố tụng hình sự Nhật Bản, bị cáo có địa vị pháp luật rõ ràng, có rất nhiều quy định để bảo đảm quyền lợi, nhưng lại gần như không có quy định liên quan đến người bị hại.

Theo chế độ tư pháp Nhật Bản, phạm tội hình sự là hành vi xâm phạm trật tự nhà nước và lợi ích xã hội. Việc điều tra và xét xử đều là để bảo vệ nhà nước và xã hội, không phải để giải quyết các thiệt hại do hành vi phạm tội tạo thành. Vì vậy, đối diện với bị cáo là kiểm sát viên có quyền lực công, thay mặt cho nhà nước. Người bị hại và người nhà nạn nhân không có vị thế tại tòa.

Họ không những không được tiếp cận, đọc, sao chép hồ sơ điều tra và biên bản xét xử mà còn không có cơ hội lên tiếng trước tòa. Dù bị cáo nói dối, nói sai, người bị hại cũng không được ngăn cản hay chất vấn. Tóm lại, pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bị cáo, không bảo vệ quyền lợi của người bị hại.

Ngày 6/9/1999 là sinh nhật bà Manae. Đúng hôm đó, Isao Okamura nhận được thông báo tin Nishida bị tuyên án chung thân. Hắn không bị tử hình vì "chỉ có một người bị giết". Isao Okamura cho rằng phán quyết này quá nhẹ nhưng ông không có quyền chống án.

Tháng 1/2000, Isao Okamura và hàng chục người nhà của người bị hại khác tổ chức họp báo, tuyên bố thành lập "Hiệp hội người bị hại toàn quốc", do Isao Okamura làm hội trưởng. Tôn chỉ của hiệp hội là đòi quyền lợi cho người bị hại trong các vụ án hình sự, kêu gọi ban hành "Luật người bị hại" để giúp người bị hại và người nhà được quyền tham dự, giám sát toàn bộ quá trình điều tra và xét xử.

Để thực hiện tôn chỉ này, Isao Okamura và các thành viên trong hiệp hội đã nỗ lực suốt 18 năm. Sau khi đạt được mục tiêu đề ra, tháng 5/2018, hiệp hội với hơn 350 hội viên tuyên bố giải tán. Lúc này Isao Okamura đã 89 tuổi. Trong cuộc họp cuối cùng của hiệp hội, ông nói: "Quyền lợi của các nạn nhân đã được bảo đảm. Bây giờ các nạn nhân có thể ngồi cạnh các công tố viên, duyệt hồ sơ điều tra và đưa ra quan điểm của mình. Chúng ta đã làm được công việc tuyệt vời".

Khang Diệp (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem