Kết cục thê thảm của quý tộc phản bội Trần Kiện (3): Bỏ xác nơi hoang địa

Thứ sáu, ngày 10/08/2018 11:17 AM (GMT+7)
Là một quý tộc cao cấp của nhà Trần, được giao những trọng trách quan trọng, nhưng do hèn nhát, lại thêm những bất mãn với triều đình, Trần Kiện đã đầu hàng, cộng tác với giặc và kết cục là cái chết thê thảm, muôn đời bị nguyền rủa.
Bình luận 0

img

Trận Tây Kết, Hưng Đạo Vương thắng lớn (hình minh họa).

Không cản được đường giặc tiến ra

Ngày 9.3.1285, quân Nguyên – Mông tiến đến cầu Bố Vệ, tướng địch là Giảo Kỳ chỉ huy quân bơi giỏi lội qua sông tấn công quân ta. Tướng Đại Việt trấn giữ cửa ải là Đinh Xa, Nguyễn Tất Thông tử trận. Khi Toa Đô hùng hổ đánh chiếm các nơi ở Thanh Hóa thì Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đến nơi.

Quân Đại Việt trước sau cộng lại đã ngót 10 vạn quân, đông hơn quân của Toa Đô vốn đã hao hụt một phần qua nhiều trận chiến. Nhưng Trần Kiện lại chỉ điểm cho Toa Đô những đường hiểm để đánh vào chỗ sơ hở của quân ta. Trần Kiện thông thuộc đường xá trong vùng nên sự chỉ điểm này rất nguy hại.

Ngày 13.3.1285, Trần Kiện tiếp tục chỉ điểm cho Toa Đô, Giảo Kỳ dẫn quân tập kích bến Phú Tân khi quân ta đang ghé thuyền vào bến. Hai bên đánh nhau một trận lớn, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải cùng các tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Văn Túc vương Trần Đạo Tái, Tái Thiên vương Trần Đức Việt, Chiêu Hiếu vương (không rõ tên), Đại liêu bang Hộ chỉ huy quân sĩ kiên cường chiến đấu. Quân Nguyên – Mông có ưu thế bất ngờ nên thắng thế.

Quân Đại Việt chịu một số tổn thất, Chiêu Hiếu vương và Đại liêu bang Hộ tử trận. Trần Quang Khải theo tinh thần từ đầu cuộc chiến không “đánh dốc túi” với địch, thấy rơi vào thế bất lợi, đành hạ lệnh cho toàn quân rút lui. Nhờ sự nhanh trí của Trần Quang Khải mà quân ta không bị tổn thất quá lớn trong cuộc chiến. Tuy nhiên, quân Đại Việt ở mặt trận phía Nam đã không hoàn thành nhiệm vụ cản đường giặc tiến ra.

Toa Đô đánh thắng được Chiêu Minh vương Trần Quang Khải ở trận Phú Tân, thông đường tiến thẳng ra bắc hội quân với Thoát Hoan. Nhiều quan lại người Tống sang nương nhờ Đại Việt trước kia, nay theo hàng Toa Đô, cùng với một số quan lại và gia quyến cũng theo hàng giặc, cả thảy hơn 400 người.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải thất thế ém quân ở ven biển, chia quân giữ các nơi hiểm yếu chờ thời cơ. Còn bản thân Chiêu Minh vương đem một phần lực lượng quay về Thiên Trường phối hợp với vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Toa Đô đánh thông đường ra bắc nhưng đã cạn lương thực, không thể tiếp tục dằng co với quân Đại Việt ở Thanh Hóa mà tức tốc kéo ra hội quân với Thoát Hoan, hy vọng kiếm lương ăn từ khối quân của Thoát Hoan sau chuỗi ngày gian khổ, đói khát ở Chiêm Thành và phía nam Đại Việt.

Bỏ xác nơi hoang địa

Vào mùa hạ tháng Tư năm 1285, sau khi quân Nguyên – Mông bị phản công và đại bại tại chiến trường Đại Việt, Thoát Hoan sai tướng Minh Lý Tích Ban dẫn một đoàn quân hộ tống đám hàng thần về Nguyên trong đó có Trần Kiện.

Tuy nhiên đoàn người ngựa trạm đến ải Chi Lăng thì lập tức bị thổ hào đất này là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh cho dân binh bao vây và tập kích dữ dội. Trong trận này gia nô của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Nô đã bắn chết Trần Kiện. Liêu thuộc của Trần Kiện là Lê Tắc cướp được xác chủ, cột lên ngựa, nhân đêm tối lẻn chạy về Khâu Ôn và chôn Trần Kiện ở đấy.

Thế là kết cục của một quý tộc cao cấp của nhà Trần thê thảm không chỉ ở việc bỏ xác nơi hoang địa, mà đời đời còn bị dân chúng và sử sách nguyền rủa.

Nguyễn Bảo Nam (Khoa học & Đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem