Kết luận thanh tra: "Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C đúng quy định"

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 18/03/2020 18:26 PM (GMT+7)
Thanh tra TP.Hà Nội kết luận, quyết định phê duyệt kinh phí mua chế phẩm Redoxy-3C là đúng theo quy định của Chính phủ và quyết định của UBND Hà Nội.
Bình luận 0

Thanh tra Hà Nội vừa công khai kết luận thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo đó, về việc mua, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, Thanh tra Hà Nội kết luận, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng báo cáo, đề xuất UBND Thành phố quyết định phê duyệt phương án đặt hàng công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn Thành phố (trong đó có kinh phí mua chế phẩm Redoxy-3C), là đúng theo quy định của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và Quyết định của UBND TP về quy chế lựa chọn nhà thầu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn Hà Nội. 

“Thực tế, từ năm 2015 trở về trước, việc thực hiện các dịch vụ công ích trên địa bàn Thành phố đều thực hiện bằng phương thức đặt hàng, đúng theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ với số kinh phí khoảng gần 21.000 tỷ đồng, trong đó có công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị” – kết luận nêu rõ.

img

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các lãnh đạo UBND TP, Sở, ngành của Hà Nội trong một lần kiểm tra nước sông Tô Lịch bằng chế phẩm RedOxy-3C.

Theo kết luận, căn cứ các quyết định phê duyệt đặt hàng của UBND TP, Sở Xây dựng giao Công ty Thoát nước thực hiện cung ứng dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (trong đó có kinh phí mua chế phẩm Redoxy-3C). 

Công ty Thoát nước đã sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để phun rải, là một trong các công đoạn để xử lý ô nhiễm, duy trì môi trường nước các hồ trên địa bàn Thành phố (ví dụ: bè thủy sinh, nạo vét bùn, sục khí, phun rải chế phẩm, vớt rác…) nằm trong tổng thể công tác cung ứng dịch vụ công ích thoát nước và xử lý nước thải.       

Từ năm 2016 đến quý I/2019, Công ty Thoát nước ký hợp đồng với Công ty Arktic mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ, là thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích theo dự toán đặt hàng với giá mua chế phẩm được Liên ngành chấp thuận và Thành phố đồng ý. 

“Khối lượng chế phẩm Redoxy-3C Công ty Thoát nước mua là 403,040 tấn, giá trị 137.614.290.000đ; đã nhập kho, theo dõi, quản lý trên hồ sơ, sổ sách kế toán của Công ty Thoát nước”.

Ngoài việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C cho một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND Thành phố, như xử lý sự cố cá chết Hồ Tây, xử lý nước thải bãi bùn khu C, Yên Sở; xử lý nước rỉ rác tại khu Xuân Sơn, thí nghiệm tại bãi rác Nam Sơn), Công ty Thoát nước đã sử dụng 365,237 tấn chế phẩm Redoxy- 3C (90,6%) để xử lý ô nhiễm 91 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành; duy trì chất lượng nước 85 hồ nội thành theo quy trình tạm thời được Sở Xây dựng chấp thuận.

“Việc sử dụng chế phẩm Redoxy- 3C có sự kiểm tra, giám sát của Ban Duy tu – Sở Xây dựng; kinh phí sử dụng chế phẩm Redoxy -3C đã được Sở Tài chính thẩm tra, quyết toán theo dự toán đặt hàng”.

img

Chế phẩm Redoxy-3C được Hà Nội sử dụng xử lý nhiều hồ bị ô nhiễm trong nội thành nhiều năm nay.

Thanh tra Hà Nội cũng nêu rõ, theo báo cáo của Công ty Thoát nước: So sánh với một số giải pháp xử lý ô nhiễm hồ trước đây, việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C có quy trình thực hiện đơn giản, nhanh gọn, ít nhân công, kinh phí duy trì thấp hơn, chất lượng nước sau xử lý sạch hơn và áp dụng được cho tất cả các hồ trên địa bàn Thành phố.

Đoàn Thanh tra liên ngành Thành phố đã đề nghị Công ty Thoát nước tổ chức lấy mẫu của một số hồ đại diện để phân tích chất lượng nước. Theo kết quả phân tích các mẫu nước do Viện Công nghệ Môi trường – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện, cho thấy 33 thông số chất lượng nước của các hồ trên đạt tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Ngoài ra, theo kết quả làm việc trực tiếp của Đoàn Thanh tra liên ngành Thành phố với đại diện các cấp chính quyền địa phương nơi có hồ được xử lý, duy trì… các đơn vị này đánh giá, trước năm 2016, nước hồ đều bị ô nhiễm, nước có màu đen, sủi bọt, có hiện tượng cá chết, mùi thối, hôi tanh nhưng sau khi được xử lý, nước hồ được cải thiện, trong, không còn mùi, không còn hiện tượng cá chết. 

“Đại diện chính quyền địa phương và khu dân cư đều đề nghị Thành phố tiếp tục thực hiện công tác xử lý và duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C như trong thời gian vừa qua” – thông báo kết luận nêu rõ.

Tiếp tục nhân rộng xử lý ô nhiễm hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C

Kết luận thanh tra chỉ rõ, chế phẩm Redoxy -3C được UBND Thành phố giao Công ty Thoát nước thực hiện thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ với nhiều quy mô và hình thức khác nhau (cả trong phòng thí nghiệm và môi trường thực).

Cụ thể, Công ty Thoát nước tiến hành lấy mẫu nước hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Đống Đa (với quy mô 1m3 nước/hồ) để thử nghiệm tại trụ sở UBND Thành phố; thử nghiệm trực tiếp tại hồ Hoàn Kiếm (với quy mô 150m3 trong bè quây); thử nghiệm mẫu nước của 20 hồ trong phòng thí nghiệm. 

Tại hồ sơ phân tích chất lượng nước hồ, sau thử nghiệm xử lý bằng chế phẩm Redoxy- 3C, thể hiện: Nước hồ sau xử lý trong, không có mùi, sinh vật thủy sinh phát triển bình thường; các thông số đảm bảo tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau kết quả thử nghiệm trên, UBND Thành phố giao Công ty Thoát nước tiến hành thử nghiệm trực tiếp tại 3 hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu… 

“Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Tổ công tác, UBND TP đồng ý cho phép triển khai nhân rộng xử lý ô nhiễm hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C. Ban cán sự Đảng UBND TP có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy và được Thường trực Thành ủy chấp thuận, giao Ban cán sự Đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo nhân rộng việc xử lý ô nhiễm nước các hồ trên toàn địa bàn Thành phố bằng chế phẩm Redoxy-3C” – Thanh tra Hà Nội kết luận.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem