Tổn thất 400 tỷ USD/năm vì tội phạm công nghệ cao
Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 này có chủ đề: “Kết nối cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình hơn. Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới”. Dự kiến hội nghị kéo dài trong 4 ngày (từ 31.10 đến 3.11). Các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận 6 lĩnh vực tội phạm, gồm: Ma túy, công nghệ cao, khủng bố, mua bán người, tham nhũng và kinh tế quốc tế.
|
Cán bộ Interol Việt Nam bàn giao đối tượng truy nã cho Cảnh sát Hàn Quốc. |
Đánh giá về tội phạm công nghệ cao trong thời đại bùng nổ thông tin và phát triển Internet, Tổng Thư ký Interpol Ronald K.Noble cho biết, thế giới tổn thất khoảng 400 tỷ USD mỗi năm vì loại hình tội phạm này, mỗi giây có 14 người trở thành nạn nhân và mỗi ngày có khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng.
“Những năm qua, thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức như cướp biển, ma túy, lạm dụng tình dục trực tuyến, mua bán người, tội phạm công nghệ cao và các loại tội phạm có tổ chức. Vì vậy, cảnh sát các nước không thể hành động đơn lẻ mà cần phải phối hợp, liên kết và có những biện pháp mới để phòng chống tội phạm” - Chủ tịch Interpol Khoo Boon Hui cho biết tại buổi họp báo sau phiên khai mạc. Chủ tịch Interpol cũng đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong hoạt động phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Cảnh sát toàn cầu cần liên kết chặt chẽ
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự giúp đỡ của Interpol đối với các hoạt động phòng chống tội phạm xuyên quốc gia ở Việt Nam. “Là một quốc gia nằm ở trung tâm khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam chịu sự tác động trực tiếp của tội phạm từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong 20 năm gia nhập Interpol, Cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 44.000 lượt thông tin về đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam; đã bắt giữ và trao trả hơn 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước; phối hợp cảnh sát nước ngoài bắt giữ và tiếp nhận 49 đối tượng truy nã của Việt Nam, trong đó có những đối tượng mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xếp vào danh sách nguy hiểm.
Vì vậy trong thời đại ngày nay, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia cần phải có nỗ lực hợp tác của cả cộng đồng quốc tế. Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng kênh hợp tác phòng chống tội phạm qua Interpol”.
Phó Thủ tướng đề nghị: “Trong các thập niên tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn. Nhưng nạn khủng bố, tình trạng đói nghèo, dịch bệnh, các thảm họa thiên nhiên… và tội phạm xuyên quốc gia sẽ có những diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng đặt ra cho mỗi quốc gia phải có chính sách đối phó và phối hợp hành động. Lực lượng cảnh sát toàn cầu cần phải liên kết chặt chẽ với nhau qua kênh hợp tác Interpol để đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm xuyên quốc gia”.
Hoàng Long
Vui lòng nhập nội dung bình luận.