Tại phiên thảo luận cuối cùng về "Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương," Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen một lần nữa nhấn mạnh rằng châu Á đang ngày càng khẳng định là một khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu cả về thương mại, tài chính và quốc phòng. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nạn buôn người xuyên biên giới, an ninh mạng... cần phải giải quyết. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, người đứng đầu quân đội Singapore một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế, không gia tăng những hành động gây căng thẳng cả trên biển lẫn trên không.
Biển Đông sôi sục
Trước đó, không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, Shangri- La 14 đã thực sự trở thành “sân khấu” cho những đấu khẩu nảy lửa về vấn đề Biển Đông giữa hai nhân tố chính là Bắc Kinh và Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đăng đàn ngày 30.5, chỉ trích kịch liệt hành động bồi đắp đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Ngày 30.5, khi đăng đàn tại Shangri– La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có những phát biểu mạnh mẽ, cứng rắn nhằm vào Trung Quốc khi lên án các dự án cải tạo với tốc độ “chưa từng có” của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông, cụ thể trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đã cải tạo hơn 800ha, tức là nhiều hơn tất cả những lần cải tạo trước đó gộp lại.
Đứng trước một phái đoàn hùng hậu của Trung Quốc tham gia đối thoại, Bộ trưởng Carter không ngần ngại vạch trần rằng, những cư xử của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay là không tuân theo các thông lệ quốc tế. “Đầu tiên, chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình cho mọi cuộc tranh chấp. Để chấm dứt điều này, cần chấm dứt ngay lập tức và lâu dài đối với việc bồi đắp đảo”- Bộ trưởng Carter nhấn mạnh. Không chỉ có Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews đã chia sẻ cùng quan điểm của Mỹ, phản đối hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Andrews, những hành động này có thể buộc các nước có liên quan phải đưa ra những biện pháp ứng phó, từ đó khiến căng thẳng gia tăng dẫn tới những hậu quả đáng lo ngại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakataki cũng tố cáo hành động Trung Quốc lấn chiếm tại Biển Đông có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn. Bộ trưởng Nakataki kêu gọi các bên, nhất là Trung Quốc, phải có tinh thần trách nhiệm. Bộ trưởng Gen Nakataki bày tỏ lo ngại rằng, nếu không có biện pháp đối phó với tình trạng mà ông gọi là vô luật pháp thì “trật tự sẽ biến thành rối loạn và hòa bình ổn định sẽ sụp đổ”.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh cáo Trung Quốc “đừng coi thường vì tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông, bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, như quân lực Mỹ đang làm ở khắp nơi trên thế giới”.
Trung Quốc ngang ngược
Phản bác lại các nước tham gia đối thoại Shangri- La, ngày 31.5, Trung Quốc đã bác bỏ những chỉ trích rằng những hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông gây ra những căng thẳng trong khu vực.
Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc cho rằng những cáo buộc trên là hồ đồ đồng thời nhấn mạnh việc nước này thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển (nếu có) là việc làm nhằm đảm bảo an ninh của Bắc Kinh. Ông Tôn tuyên bố rằng việc Trung Quốc có quyết định thành lập ADIZ hay không tùy thuộc vào bất kỳ một sự đe dọa nào về an ninh hàng không và hàng hải đối với nước này ở Biển Đông. Đây cũng là lần hiếm hoi trước một diễn đàn quốc tế, quan chức cấp cao Trung Quốc đã ngang ngược đe doạ sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Trước các đại biểu quốc tế, nhưng ông Tôn Kiến Quốc vẫn biện minh rằng các cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông nhằm hỗ trợ các tránh nhiệm quốc tế liên quan đến cứu nạn, cứu hộ, nghiên cứu, bảo vệ môi trường...“Tình hình trên Biển Đông hoàn toàn hòa bình và ổn định và không có vấn đề gì về tự do đi lại”- ông Tôn Kiến Quốc thản nhiên lấp liếm để che giấu sự thật.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ về việc ngừng gia tăng hoạt động bồi đắp, đồng thời khẳng định Bắc Kinh đang thực hiện tuyên bố chủ quyền trong khi hỗ trợ phần còn lại của thế giới. Trả lời những câu hỏi của đại biểu các nước, mà trọng tâm vẫn là xoay quanh vấn đề Biển Đông, đại diện Trung Quốc cho biết nước này vẫn luôn kiềm chế và hướng tới việc ủng hộ, tăng cường hơn nữa cho hòa bình, an ninh trong khu vực.
Ngay sau bài phát biểu này, rất nhiều học giả quốc tế đã đưa ra các câu hỏi với đại diện Trung Quốc làm rõ hơn về tính pháp lý, chính sách của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông hiện nay. Cũng như tại đối thoại năm ngoái, với lý do thời gian hạn chế không thể giải thích hết các chất vấn, đại diện của Trung Quốc đã đọc một bài được chuẩn bị sẵn, không trả lời trực diện bất kỳ câu hỏi nào của các học giả quốc tế liên quan đến tình hình Biển Đông.
Phát biểu sau khi kết thúc Đối thoại, ông John Chipman - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đánh giá Đối thoại Shangri- La năm nay có những tuyên bố thẳng thắn đáng kể từ các bộ trưởng phát biểu tại diễn đàn; trong đó có rất nhiều cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông, sự cấp thiết thực sự để có thể sớm hoàn tất và tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.