Thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi vịt đang phát triển mạnh ở một số địa phương của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Bước đầu các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi vươn lên làm giàu. Anh Hùng là một trong những hộ như thế.
Để bảo đảm yếu tố sạch, chất lượng, anh Hùng dùng vỏ trấu trộn với bột ngô, sắn làm thức ăn chính cho đàn vịt.
Trao đổi với PV Dân Viêt anh Hùng cho biết: Trước khi đến với nghề chăn nuôi vịt, tôi phải vất vả lo từng khoản chi tiêu trong gia đình, cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào ruộng, cấy thì nhiều nhưng tiền chẳng thấy đâu. Tôi thấy nhiều người tiêu dùng và thương lái tìm mua vịt bán ra thị trường.
Nhận thấy nuôi loại vật này có thể cho thu nhập cao, tôi tận dụng mảnh vườn rộng 4.000m2 trước nhà mua lưới về quây. Sau đó, tôi xuống trang trại nuôi vịt ở Sơn Tây (Hà Nội) mua con giống. Vịt rất dễ nuôi, chỉ hơn 2 tháng là có thể bán được. Nếu tiêm phòng đầy đủ, chăm sóc tốt thì so với chăn nuôi lợn, gà, tôi thấy nuôi vịt thả vườn, thả ao hiệu quả kinh tế hơn nhiều, bởi chi phí đầu tư ít nên tiết kiệm được rất nhiều khoản.
Cán bộ Hội nông dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đang trao đổi kỹ thuật chăm sóc đàn vịt với Anh Hùng.
Theo kinh nghiệm nuôi vịt của anh Hùng: Để nuôi vịt thành công, người nuôi cần chọn những con giống có lông bông và mịn, mắt sáng, to, lanh lợi, chân bóng mượt, nhanh nhẹn khỏe mạnh. Không chọn con bị dị tật, quá bé hoặc quá to so với trung bình của con giống như yếu, khèo chân, nặng bụng, bết lông…
Địa điểm làm chuồng phải cao ráo, độ dốc vừa phải, gần nguồn nước để cho vịt tắm và bơi lội. Chuồng trại nuôi vịt không cần cầu kỳ. Chuồng nuôi chỉ làm bằng những nguyên liệu dễ kiếm như tre, lứa...Tường bao không cần qúa kín để tiện lợi việc đi lại của vịt, dễ dàng vệ sinh và đảm bảo sự thông thoáng. Nền chuồng có thể xây bằng gạch hoặc láng xi măng để dễ quét dọn, trong lúc xây dựng phải tạo độ dốc về sau.
Anh Hùng tận dụng nguồn nước suối Bay Ma đào ao cho vịt tắm và bơi lội, tạo điều kiện thuận lợi cho vịt phát triển.
“Vịt là loại gia cầm dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít dịch bệnh. Tôi thấy nuôi vịt có nhiều thuận lợi với đặc thù của vịt là có thể sử dụng rất hiệu quả thức ăn xanh và các loại phụ phẩm nông nhiệp, vịt có thể vặt tận gốc cây cỏ, cả phần củ rễ. Nhưng thức ăn vịt thích nhất vẫn là vỏ trấu trộn với bột ngô hoặc sắn, tôi hầu như không dùng cám cò trong chăn nuôi nên đảm bảo yếu tố sạch, bảo đảm cho vịt sinh trưởng và phát triển tốt”- anh Hùng chia sẻ thêm.
Ngoài nuôi vịt thịt, anh Hùng còn nuôi thêm ngan trắng để tăng thêm thu nhập.
Hiện nay, nghề nuôi vịt thương phẩm trên địa bàn xã Sơn Thủy vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, nên đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định, ít bị rớt giá như nuôi các loại gia cầm khác. Nhiều tiểu thương ở huyện Kim Bôi, thành phố Hòa Bình... gọi điện mua vịt, nhưng anh Hùng không có sản phẩm để bán. Một năm gia đình anh Hùng nuôi 10 lứa vịt, mỗi lứa hơn 500 con.
Sau khi trừ chi phí, 1 năm anh Hùng đút túi gần 70 triệu đồng từ nuôi vịt, ngan.
Ông Đinh Tất Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường về thịt vịt thương phẩm, chúng tôi dự định thời gian tới sẽ phối hợp các xã tiến hành tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại cho các hội viên. Chúng tôi ưu tiên các hộ có hoàn cảnh khó khăn và những hộ chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, để trở thành mô hình sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân, vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương.
Nhờ chăm sóc vịt đúng kỹ thuật, đàn vịt của gia đình anh Hùng luôn phát triển khỏe mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.