Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhận định về tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2023. Chỉ tính riêng trong tháng 02-3/2024, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Qua theo dõi diễn biến mức độ xâm nhập mặn cho thấy, năm nay cao hơn TBNN. Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4‰, 1‰ xâm nhập vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km. Đặc biệt tại khu vực Bến Tre và sông Cổ Chiên đã xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016.
"Xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng, đợt mặn từ ngày 8 đến13/3 ranh mặn 4 g/l vào sâu 40-50 km, có nơi sâu hơn, tính đến thời điểm hiện tại đây là đợt có nồng độ mặn cao nhất năm 2024; ranh mặn 1 g/l tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu tới 70km, ông Đại nhận định.
Đơn cử như tại tỉnh Bến Tre, trên sông Cổ Chiên, độ mặn 1 g/l sâu hơn 7,5km so với năm 2016, sâu hơn 25,8km so với TBNN. Độ mặn 4 g/l xâm nhập đến ấp Phú Mỹ, xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 57,2km. Độ mặn 1 g/l xâm nhập đến ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 75,8km.
Trên sông Cửa Đại tương đương năm 2016, ranh 1 phần ngàn sâu hơn 21km so với TBNN: Độ mặn 4 g/l xâm nhập đến ấp An Mỹ, xã An Khánh (huyện Châu Thành), cách cửa sông 53km. Độ mặn 1 g/l xâm nhập đến ấp Cồn Dơi, xã Phú Đức (huyện Châu Thành), cách cửa sông 71,3km.
Trên sông Hàm Luông độ mặn 1 g/lít sâu hơn năm 2016 khoảng 5km, sâu hơn 2023 6km, sâu hơn TBNN 11km.
Xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến sớm hơn và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm, độ mặn tăng cao và lấn sâu vào nội đồng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 trùng với kỳ triều cường đầu tháng Hai âm lịch nên độ mặn trên sông Tiền đã tăng cao và lấn sâu hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Độ mặn cao nhất ở các trạm như: Vàm Kênh (5km): 26,3g/l, cao hơn năm 2016 là 0,7g/l; Hòa Bình (18km) 15,7g/l cao hơn 2016 là 2,0 g/l; An Định(43km) 6,4g/l cao hơn năm 2016 là 3,0g/l; Mỹ Tho (48km) độ mặn 4,2g/l, cao hơn 2016 là 0.4g/l...
Tại Sóc Trăng, các trạm trên sông Hậu năm 2024 xâm nhập mặn 1g/l có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất trong năm là 63km, trên sông Mỹ Thanh là 73km. Trên sông Hậu năm 2024 xâm nhập mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất trong năm là 50-55km, trên sông Mỹ Thanh là 52-57km).
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trước hết là do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực ĐBSCL hầu như không mưa (hụt chuẩn từ 60-95%), ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi.
Đồng thời nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp hơn TBNN, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.
Ông Đại cảnh báo, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao hơn TBNN, cao hơn năm 2023. Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung trong các thời kỳ từ 08-13/4, từ 22-28/4 và từ 07-11/5.
Chiều sâu xâm nhập mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70-95km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50-62km; sông Hàm Luông từ 60-68km; sông Cổ Chiên từ 45-55km; sông Hậu từ 40-55km; sông Cái Lớn từ 45-55km.
"Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn", ông Đại nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.