Khắc phục căn nguyên của khiếu kiện

Thứ ba, ngày 18/06/2013 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 17.6, một loạt các vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) góp ý, trong đó nổi bật nhất vẫn là việc thu hồi đất, giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Bình luận 0

Đây là những vấn đề được coi là căn nguyên của các vụ khiếu kiện về đất đai kéo dài trong thời gian qua.

Trước cưỡng chế phải đối thoại với dân

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, thu hồi đất là nội dung gây nhiều tranh cãi và đây là lĩnh vực xảy ra nhiều sai phạm, tranh chấp nhất. Vì vậy, khi thu hồi đất phải có quyết định thu hồi riêng với tài sản trên đất, nhằm tránh gây bức xúc cho người dân. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, trước khi cưỡng chế thu hồi đất, lãnh đạo địa phương phải tổ chức đối thoại công khai với người dân, vấn đề gì chưa thỏa đáng thì xử lý lại cho đúng. Chỉ sau khi lãnh đạo trực tiếp gặp dân, giải đáp thỏa đáng mà người dân vẫn chống đối mới tiến hành cưỡng chế để giảm thiểu những vụ khiếu kiện kéo dài hiện nay.

img
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) phát biểu thảo luận.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) góp ý: Quy định thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư cần quy định rõ cơ chế, cách thức để người dân tham gia, tránh tình trạng nhiều chủ sử dụng đất đòi hỏi về giá hoặc yêu cầu phi lý dẫn đến chậm tiến độ dự án. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì cho rằng: Cần xem xét rõ thời điểm thu hồi đất của các cơ quan thẩm quyền, đồng thời đề nghị bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực thu hồi đất. Đây chính là vấn đề quan trọng để khắc phục sự tiêu cực, tham nhũng trong thu hồi đất.

Còn theo ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai), nếu dự thảo luật vẫn giữ nguyên quyết định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội thì cần phải quy định rõ nội dung “phải có thỏa thuận rõ với người dân” để tránh tình trạng tiêu cực.

Bồi thường không đủ mua lại đất

Theo ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình), các vấn đề xung quanh việc thu hồi và phân chia lại đất sản xuất nông nghiệp là vấn đề rất lớn, liên quan đến tư liệu sản xuất đang được hàng chục triệu nông dân, cả những người có đất sản xuất và cả những người chưa có đất sản xuất quan tâm mong đợi, tuy nhiên cách thể hiện trong dự thảo và nội dung giải trình chưa thật thỏa đáng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói: “Về thời gian thông qua luật, theo tôi có hai phương án. Một là nếu chúng ta tiếp thu, giải trình được toàn bộ những ý kiến đại biểu phát biểu hôm nay, chúng ta có thể thông qua được, nếu không thông qua được, chúng ta phải có một nghị quyết kéo dài”.

ĐB Huỳnh Nghĩa góp ý xung quanh việc định giá đất khi thu hồi bởi trong thực tế việc này rất phức tạp, và bất cập lớn nhất thời gian qua là việc quyết định giá thường không khách quan, dễ bị lợi dụng sinh ra tiêu cực.

Ông Nghĩa đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay trong luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường quá rẻ, người dân không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác; giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường.

ĐB tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Nguyệt cho rằng: Về cơ chế giá đất đền bù, vấn đề thu hồi đất có 2 dạng phục vụ lợi ích quốc gia và cho các doanh nghiệp thuê, đối với trường hợp đền bù để giao đất cho doanh nghiệp thì phải có thỏa thuận về giá.

“Nên bổ sung nguyên tắc trước khi thu hồi đất phải lập phương án tái định cư rõ ràng để tránh những vướng mắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, công khai việc bán đấu giá đất. Việc bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định của pháp luật” - đại biểu Nguyệt nhấn mạnh. 

Khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, có nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước thu hồi đất. Mặc dù vậy, một số ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng đất, thu hồi đất. “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” - ông Giàu nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem