Khắc phục tình trạng trùng chéo cử tri tạm trú ở một số địa phương

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 21/05/2021 18:46 PM (GMT+7)
Chiều ngày 21/5, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với Ủy ban bầu cử 04 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.
Bình luận 0

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc tổ chức các đoàn kiểm tra tại một số địa phương về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 gặp nhiều khó khăn. Do đó, để nắm bắt, đánh giá toàn diện tình hình công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ủy ban bầu cử các tỉnh tập trung báo cáo, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử; việc triển khai chuẩn bị công tác bầu cử (trọng tâm như: công tác thông tin, tuyên truyền; công tác hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử; việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ cuộc bầu cử; việc bố trí, sắp xếp, trang trí khu vực bỏ phiếu; việc rà soát, thống kê cử tri và di biến động cử tri trên địa bàn); công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, y tế; đồng thời, báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của địa phương để Bộ Nội vụ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời trước ngày bầu cử 23/5.

Khắc phục tình trạng trùng chéo cử tri tạm trú ở một số địa phương - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BNV

Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử các tỉnh, công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra giám sát tại các địa phương được thực hiện đúng quy định, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Căn cứ các văn bản của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, Ủy ban bầu cử các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện triển khai công tác bầu cử, thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử đảm bảo đúng thành phần, tiến độ thời gian theo quy định. 

Đồng thời, các tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch và tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát tại các địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình và giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị bầu cử.

Công tác thông tin, tuyên truyền tại các địa phương được đặc biệt chú trọng, thực hiện bằng nhiều hình thức sinh động, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin đến mọi tầng lớp Nhân dân. Công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, ổn định, đến nay chưa có phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự. 

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, không phát hiện dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; các địa phương đã rất chú trọng xây dựng kịch bản, phương án để phòng, chống dịch, đảm bảo công tác bầu cử được diễn ra an toàn.

Về biến động cử tri, so với danh sách đã niêm yết ngày 13/4/2021, tỉnh Tiền Giang giảm 311 cử tri; tỉnh Bến Tre tăng 12.760 cử tri; tỉnh Trà Vinh giảm 3.155 cử tri; tỉnh Vĩnh Long giảm 10.801 cử tri. Việc tăng, giảm cử tri do có cử tri là sinh viên về quê, cử tri là công nhân tại các khu công nghiệp ở lại không về quê do dịch bệnh, cử tri chết…

Đáng chú ý, một số nơi thống kê cử tri tạm trú có sự trùng chéo. Để khắc phục vấn đề này, Ủy ban bầu cử các tỉnh đã có văn bản đôn đốc các địa phương theo dõi, cập nhật số lượng cử tri đảm bảo chính xác.

Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để thực hiện quyền vận động bầu cử của những người ứng cử được tiến hành đảm bảo số lượng, tiến độ và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Khắc phục tình trạng trùng chéo cử tri tạm trú ở một số địa phương - Ảnh 4.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: BNV

Qua nghe báo cáo của các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của các tỉnh trong quá trình chuẩn bị bầu cử, trong đó, nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, kịp thời và đạt kết quả tốt, đặc biệt là việc quán triệt các văn bản của Bộ Chính trị, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương.

Cùng với đó, công tác chuẩn bị bầu cử cũng được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng; chỉ đạo đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, đã tạo sự thống nhất, đồng thuận. Các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bầu cử; đồng thời, các địa phương cũng đã chú trọng thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các địa phương đã chú trọng việc chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác công tác nhân sự, tổ chức các hội nghị hiệp thương đúng luật, chặt chẽ; các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đúng quy định; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử và nhân sự ứng cử; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và công tác chuẩn bị cơ sở vật chất… 

Chỉ còn một ngày nữa là đến ngày bầu cử, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các tỉnh tập trung cao độ để tổ chức thành công cuộc bầu cử, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân, đảm bảo bầu cử đúng, đủ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cụ thể:

Thứ nhất, các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử để Nhân dân nắm bắt được ý nghĩa, tầm quan trọng và tích cự hưởng ứng cuộc bầu cử, để có số lượng cử tri đi bầu cử cao nhất, đồng thời, ngăn ngừa các thế lực thù địch chống phá cuộc bầu cử.

Thứ hai, tiếp tục rà soát các văn bản mới nhất của Hội đồng bầu cử quốc gia, của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và tổ chức tốt các văn bản này; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. 

Thứ ba, tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị bầu cử, chú trọng các khu vực bỏ phiếu, đảm bảo không có sai sót, lưu ý các hòm phiếu phụ, trang trí khánh tiết bên trong, ngoài khu vực bỏ phiếu; làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch Covid-19, phân bổ số lượng cử tri đi bỏ phiếu phù hợp để đảm bảo phòng, chống dịch; đảm bảo công tác an ninh, trật tự và an toàn xã hội trong cuộc bầu cử.

Thứ tư, tập trung thống kê di biến động cử tri, có cách làm linh hoạt, sáng tạo để xử lý phù hợp với điều kiện thực tiễn, để cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình, đảm bảo không sót cử tri.

Thứ năm, thực hiện các phương án đảm bảo an ninh trật tự cho các khu trọng điểm, các khu có bức xúc trong cộng đồng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử, rà soát các phương án phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Thứ sáu, trong ngày bầu cử, các tỉnh chỉ đạo các khu vực bỏ phiếu, thành viên Tổ bầu cử phải thực hiện nghiêm về thời gian như: tổ chức khai mạc, bỏ phiếu, niêm phong hòm phiếu… linh hoạt, sáng tạo trong việc khai mạc, đảm bảo yêu cầu; thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo với Hội đồng bầu cử quốc gia, với Bộ Nội vụ.

Thứ bảy, quan tâm, chăm lo hơn nữa về với vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội, để người dân phấn khởi, có niềm tin tuyệt đối với Đảng, Nhà nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem