Khắc phục tồn đọng từ quá khứ

Thứ ba, ngày 09/07/2013 10:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh sự kiện lùi thời hạn thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII cho rằng đây là quyết định sáng suốt và đúng đắn.
Bình luận 0
img

Thưa ông, việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải lùi thời hạn thông qua trong kỳ hợp Quốc hội vừa qua có phải là một bước tiến trong quá trình làm luật của Quốc hội hay không?

- Thật ra đây không phải lần đầu tiên Quốc hội không thông qua một đạo luật theo đúng kế hoạch. Trong quá khứ cũng đã từng xảy ra nhiều trường hợp như vậy rồi. Đó là khi quan điểm về những vấn đề chính của luật chưa đạt được sự thống nhất cao, hay chất lượng dự thảo luật không đáp ứng được yêu cầu.

Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động đến đời sống của mọi người, mọi gia đình và trật tự xã hội. Nếu thông qua luật mà vẫn tồn tại những quy định không phù hợp thì sẽ tiếp tục nảy sinh những bất ổn, những vụ khiếu kiện mới. Trong thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia và nhân dân để đưa ra những quy định hợp lý về một số vấn đề như thu hồi đất, giá cả đền bù…

Đồng thời, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng không thể thông qua trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Theo ông, từ nay đến kỳ họp sau - thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội một lần nữa, các cơ quan có trách nhiệm phải có hướng tiếp thu các ý kiến góp ý ra sao?

- Thật lòng, tôi cho rằng nếu chúng ta chưa thay đổi được quan điểm về sở hữu đất đai thì luật này vẫn sẽ còn phải sửa nhiều lần nữa. Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã chỉ ra rằng quan niệm “đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” rất dễ bị lợi dụng. Đã từng xảy ra nhiều quyết định sai lầm và nhiều trường hợp lợi dụng danh nghĩa Nhà nước để trục lợi.

Theo ông, đâu là rào cản khiến chúng ta chưa công nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai?

- Hiện nay, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang là nguồn thu lớn của ngân sách. Đất đai cũng là chỗ nhiều người có quyền trục lợi. Đó là rào cản lớn nhất. Bên cạnh đó, cũng có người lo ngại rằng thừa nhận quyền tư hữu đất đai thì các tổ chức, cá nhân đã bị thu hồi đất trước đây sẽ đòi lại đất. Để giải quyết vấn đề này, năm 2003, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết 23 quy định: Nhà nước không xem xét lại những trường hợp đã thu hồi đất theo các chính sách trước đây; đối với những trường hợp có nhu cầu sử dụng đất thì làm đơn để được xem xét, cấp diện tích mới phù hợp.

Sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai lần này là dịp để khắc phục những vấn đề tồn đọng trong quá khứ và những khó khăn nghiêm trọng hiện thời. Không nên khăng khăng giữ quan niệm đã tỏ ra không phù hợp với thực tế, làm dày thêm hồ sơ khó khăn, đẩy cho thế hệ tương lai giải quyết.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem