Khách hàng lại kéo đến Cocobay Đà Nẵng đòi tiền đặt cọc
Khách hàng lại kéo đến Cocobay Đà Nẵng đòi tiền đặt cọc
Diệu Bình
Thứ tư, ngày 10/06/2020 14:04 PM (GMT+7)
Sáng nay (10/6), tại khu phức hợp giải trí Cocobay (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), hàng chục khách hàng mua condotel Cocobay Đà Nẵng đã tập trung căng băng rôn yêu cầu được trả lại tiền cọc.
Theo đó, nhiều khách hàng mua bất động sản các dự án condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết, họ vẫn không thể chấp nhận được việc Công ty Thành Đô ngang nhiên rao bán dự án với một tên gọi mới trong khi chưa trả tiền cho các chủ sở hữu đã đặt mua trước đó.
Trong khi, đa số các chủ sở hữu bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng đều phải đóng tiền gốc và lãi của khoản vay mua bất động sản tại dự án.
Anh Lê Đức Tùng (Quảng Ngãi), một chủ sở hữu mua condotel Cocobay Đà Nẵng cho biết, bản thân anh rất thiện chí khi yêu cầu được ký thanh lý hợp đồng nhưng công ty Thành Đô lại đơn phương đưa ra các điều khoản bất hợp lý, gây bất lợi cho khách hàng.
"Tôi đã phải vay tiền để mua căn hộ condontel Cocobay Đà Nẵng nhưng đến bây giờ thì "tiền mất tật mang". Chúng tôi đã phải chạy vạy khắp nơi để đòi lại chính tiền của mình trong khi Thành Đô thì cứ hẹn lần, hẹn lữa. Chúng tôi yêu cầu phải có một cuộc họp chính thức giữa Thành Đô và khách hàng, yêu cầu chủ đầu tư phải trả tiền lại cho khách hàng", anh Tùng bức xúc.
Anh Hoàng Xuân Huy (Đà Nẵng), một chủ sở hữu khác cũng mua condotel Cocobay Đà Nẵng chia sẻ: "Thành Đô đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu khách hàng ký thanh lý, nhưng từ tháng 5/2019 đến nay dù tôi đã đồng ý ký thanh lý nhưng vẫn chưa nhận được đồng nào. Thậm chí, trong các chủ sỡ hữu có người đã mất nhưng vẫn chưa nhận được tiền. Chúng tôi chỉ yêu cầu Thành Đô trả lại số tiền mà chúng tôi đã bỏ ra".
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng) cho biết, các giao dịch chuyển nhượng, mua bán căn hộ condotel trên thực tế được hình thành theo sự đồng thuận giữa các bên trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện của pháp luật dân sự. Trong nhiều trường hợp giao dịch giữa nhà đầu tư với khách hàng được thiết lập theo hướng bảo vệ triệt để chủ đầu tư, không có điều khoản bảo vệ cho các khách hàng mua căn hộ, nên khi tranh chấp xảy đến thì khách hàng rất bất lợi, quyền lợi bị rủi ro rất lớn.
"Hiện nay, đối với các căn hộ Condotel, quyền sở hữu trên thực tế và pháp lý vẫn thuộc Chủ đầu tư, nhiều khách hàng bỏ ra rất nhiều tiền nhưng không có quyền sở hữu căn hộ về mặt pháp lý. Do đó, khi có sự "bẻ kèo" của Chủ đầu tư, nếu khách hàng kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp thì phần thắng không phải khi nào cũng đứng về phía khách hàng. Điều rủi ro rất lớn là tiền đã bỏ ra rất nhiều nhưng chưa có bằng chứng pháp lý chứng minh quyền sở hữu của họ, nên khách hàng luôn là nạn nhân cho các rủi ro pháp lý này. Có nhiều trường hợp nếu tài sản bị Chủ đầu tư mang đi thế chấp ngân hàng thì rủi ro càng lớn hơn", Luật sư Lê nói nhận định.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ngày 23/11, Tập đoàn Thành Đô gửi văn bản cho biết cam kết lợi nhuận 12%/năm tại dự án Cocobay Đà Nẵng sẽ được thực hiện đến hết năm 2019. Từ năm 2020, tập đoàn này đề ra một số giải pháp hợp tác tiếp theo.
Trong đó, các phương án được đưa ra có việc chủ đầu tư tiếp tục hợp tác bằng 1 trong 2 lựa chọn là chuyển condotel thành căn hộ chung cư, hoặc giữ loại hình condotel như cam kết; phương án 2 là thanh lý hợp đồng để các khách hàng đầu tư condotel tại Cocobay Đà Nẵng tự kinh doanh, chuyển nhượng, hoặc thanh lý hợp đồng, hoàn lại tiền.
Câu chuyện này đã tạo nên một "cú sốc" đối với những khách hàng đầu tư vào loại hình này. Bởi với họ tin tưởng vào việc chi trả phần lợi nhuận hàng năm mà chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.