Tối 23/11 Lễ khai mạc, thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI được diễn ra tại thành phố Vũng Tàu với sự tham gia của hàng nghìn đại biểu trong nước và nước ngoài, cùng các ê kíp đoàn làm phim tranh giải.
Các nghệ sĩ gạo cội như NSND Trà Giang, NSND Bùi Bài Bình, NSND Lan Hương, NSUT Diệu Thuần, NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh, diễn viên Lan Phương, Nhã Phương, Nhan Phúc Vinh, vợ chồng đạo diễn Đức Thịnh – Thanh Thuý, ca sĩ Phương Thanh, diễn viên Vân Trang… xuất hiện rạng rỡ tại thảm đỏ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Liên hoan phim là dịp để giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mới của điện ảnh Việt Nam, tôn vinh những tài năng nghệ thuật đích thực, hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo.
Đồng thời cũng mở ra cơ hội để các nghệ sĩ, những người hoạt động điện ảnh cả nước giao lưu, gặp gỡ, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình cống hiến, xây dựng, gìn giữ, phát triển nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế. Các tác phẩm được lựa chọn tham gia Liên hoan phần nào phản ánh những say mê, trăn trở, những cung bậc tình cảm, những khát khao vươn lên của con người Việt Nam hướng tới cái đẹp trong tâm hồn, cái chính nghĩa trong cuộc sống để bảo vệ để bảo vệ tính truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Ca sĩ Mỹ Linh biểu diễn tại đêm khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI. Ảnh: Thanh Hà
Đêm khai mạc và thảm đỏ được đảm nhận bởi kênh truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam (Vietnam Journey) với các tiết mục nghệ thuật là các ca khúc trong các phim truyện điện ảnh tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI. Phần múa minh họa dựa trên ý tưởng về sự tượng trưng cho 4 thể loại phim tham gia Liên hoan.
Tuy nhiên sự kiện thảm đỏ và phần biểu diễn nghệ thuật của đêm khai mạc đã không diễn ra được như mong muốn của các đại biểu và nghệ sĩ. Sự kiện thảm đỏ luôn là điều mong đợi nhất của nghệ sĩ và khán giả. Với các nghệ sĩ, thảm đỏ là nơi để họ háo hức diện đồ thật đẹp, đứng trước ống kính, máy quay được toả sáng, rạng rỡ với những khán giả yêu quý họ. Còn khán giả thì cũng tò mò, thích thú được nhìn thấy những nghệ sĩ, diễn viên mình yêu quý, được ngắm họ trong những chiếc váy lộng lấy, quyến rũ, những bộ vest lịch sự khi bước lên thảm đỏ.
Thế nhưng, tại sự kiện thảm đỏ, các nghệ sĩ đã phải đợi quá lâu, một đạo diễn đã tiết lộ, các đoàn làm phim, diễn viên phải đứng đợi bên ngoài gần một tiếng mà không có ghế ngồi, vừa nóng vừa mỏi chân, nhất là những nữ diễn viên đi giày cao gót, đã rất khổ sở khi phải đứng trong tình trạng như vậy.
Cũng tại sự kiện thảm đỏ, hai MC còn khá lúng túng khi giới thiệu các nghệ sĩ gạo cội và các đoàn làm phim. Ở phần giới thiệu các nghệ sĩ gạo cội, hai MC giới thiệu được 4 người là NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, NSND Đào Bá Sơn, NSUT Tố Uyên, còn những nghệ sĩ khác như vợ chồng NSND Thanh Vân, Nhuệ Giang, NSƯT Diệu Thuần, Hoạ sĩ thiết kế Hà Bắc... đã không được nhắc tới
Chương trình nghệ thuật với những ca khúc trong phim nên khá bình lặng, dù sân khấu, âm thanh, ánh sáng đẹp. Nhưng vẫn không thể tạo được không khí sôi động, tưng bừng cho Lễ khai mạc. Dường như sự giản dị của chương trình đã làm đêm khai mạc bị chìm, trở thành đơn giản và sơ sài.
Chất lượng phim điện ảnh tranh giải đa dạng và nhiều màu sắc
Bất kỳ liên hoan phim nào thì phim truyện điện ảnh vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của khán giả, kỳ liên hoan phim lần này cũng vậy, với 16 phim truyện điện ảnh tranh giải nhiều nghệ sĩ đã có những nhận định khác nhau.
NSND Bùi Bài Bình chia sẻ: "Với tôi bất kỳ cuộc Liên hoan phim nào cũng là ngày hội, cho dù Liên hoan đó có phim do tôi đóng hay ngược lại thì tôi đều thấy vui.
Nếu có phim tôi tham gia thì tôi thấy mình vui và hạnh phúc hơn, còn nếu không có phim thì tôi đến với Liên hoan phim là để học hỏi, thăm quan, gặp gỡ chia sẻ với anh em bạn nghề.
Năm nay tham gia Liên hoan tôi nhận thấy khâu tổ chức của BTC, dù mới ngày đầu khai mạc nhưng tôi cảm nhận sự gọn gàng, chu đáo, thân tình. Thân tình ở đây tôi muốn nói đến là của những người làm nghệ thuật, tôi cho đó là điều đáng quý trong kỳ Liên hoan phim lần này”, NSND Bùi Bài Bình nói.
Nói về chất lượng của 16 phim điện ảnh tham gia tranh giải, NSND Bùi Bài Bình cho biết: “Tôi chưa xem đủ 16 phim nên chưa đánh giá được toàn cục. Nhưng có một số phim tôi đã xem nên thấy được sự đa dạng của các phim tham gia kỳ liên hoan lần này. Sự đa dạng ở đây tôi muốn nói tới giữa phim Nhà nước và hãng phim tư nhân, chủ đề cũng đa dạng. Với các bạn trẻ thì có nhiều bạn trẻ làm phim rất hay như Đinh Tuấn Vũ.
Trong nghệ thuật người nghệ sĩ sẽ không để ý và phân định phim theo kiểu phim thị trường, phim chính luận, phim thương mại hay phim chất lượng nghệ thuật. Tất cả các phim được làm ra chỉ với mục đích phục vụ cho người xem, và mang một thông điệp nào đó. Ví dụ nếu phim giải trí thì phải có mục đích, sự bổ ích, hướng cho người xem đi đến việc nào đó thì đó mới là điều quan trọng đối với người làm phim”.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền, nhà quay phim Nguyễn Quyết điện ảnh Quân đội chụp ảnh cùng, đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi. Ảnh: Thanh Hà
Với đạo diễn Đức Thịnh, anh làm phim mà khán giả càng thích, nhiều khán giả đến xem thì đó là sự thành công.
“Tuy nhiên với một bộ phim dù là chất lượng nghệ thuật hay giải trí thì cũng nên có một thông điệp rõ ràng sẽ nâng cao giá trị bộ phim. Đặc biệt với những bộ phim giải trí, điều đó sẽ giá trị hơn.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho hay, “Liên hoan Phim nào tôi cũng tham gia, mỗi năm mỗi lần tham gia hồi hộp riêng, khi có phim thì hồi hộp, hy vọng sẽ được giải. Không có phim thì là niềm vui gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Và tôi tin rằng đây sẽ là Liên hoan phim thành công, sẽ chọn ra được những tác phẩm có chất lượng về nội dung và nghệ thuật”.
Chia sẻ về việc 4 phim Nhà nước tham gia tranh giải tại Liên hoan lần này, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói: “Sự trở lại của phim Nhà nước là tín hiệu vui, đáng mừng, khích lệ rất nhiều cho đội ngũ làm phim đang miệt mài, kiên trì, kiên nhẫn đi theo dòng phim chính luận. Tôi tin rằng đây là bước khởi đầu thôi, với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, trong những Liên hoan phim sắp tới, sẽ có sự xuất hiện rất nhiều những tác phẩm mang dấu ấn nhà nước mà sẽ được khán giả đón nhận.
Sự bắt tay giữa nhà nước với tư nhân là một trong những hướng đi, là lộ trình mà những nhà làm phim trẻ theo đuổi dòng phim chính thống hướng đến, tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ. Bởi vì hơn ai hết, dòng phim chính luận đang cần sự ủng hộ, tiếp sức của những khán giả trẻ.
Từ lâu nay, người ta cho rằng giới trẻ biết nhiều hơn các tác phẩm nước ngoài như Mỹ, Hàn, Trung so với những tác phẩm trong nước, đã đến lúc chúng ta cần có những tác phẩm có thể lôi kéo khán giả quay trở lại, họ sẽ là động lực cho những đạo diễn như chúng tôi tiếp tục con đường của mình”.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập" diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/11 tại thành phố Vũng Tàu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.