Vì sao hàng loạt doanh nghiệp điện ảnh gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội xin giảm thuế?

Thủy Vũ Thứ bảy, ngày 16/11/2024 14:44 PM (GMT+7)
Mới đây, nhiều doanh nghiệp điện ảnh lên tiếng khi Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng đề xuất tăng mức thuế đối với các lĩnh vực văn hóa, trong đó có điện ảnh từ 5 – 10%.
Bình luận 0

Cụ thể, hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh đã ký tên và đóng dấu vào văn bản khẩn, kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.

Trong văn bản được gửi đi ngày 12/11 đến Chính phủ và Quốc hội, có những cái tên đáng chú ý như: Thu Trang, Đức Thịnh, Hoàng Quân, BHD, CJ CGV, Lotte Cinema, Thiên Ngân, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim, Beta Media, CJ HK… đều đề nghị mức thuế là 3% thay vì tăng lên 10%.

Vì sao hàng loạt nhà sản xuất phim, đạo diễn gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội? - Ảnh 1.

Đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn và Thu Trang. Ảnh: FBNV

Trong đó, có một điểm đáng chú ý, đó là việc các doanh nghiệp nêu ra lý do đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 và kéo dài trong suốt 2 năm đã làm cho nền kinh tế nói chung và ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (năm liền trước đại dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thay đổi về nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch, sức mua của người dân giảm… đang tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp điện ảnh.

Văn bản cho rằng, đề xuất tăng thuế suất từ 5% lên 10% là không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào.

Vì sao hàng loạt nhà sản xuất phim, đạo diễn gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội? - Ảnh 2.
Vì sao hàng loạt nhà sản xuất phim, đạo diễn gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội? - Ảnh 3.
Vì sao hàng loạt nhà sản xuất phim, đạo diễn gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội? - Ảnh 4.
Vì sao hàng loạt nhà sản xuất phim, đạo diễn gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội? - Ảnh 5.

Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh đã ký tên và đóng dấu vào văn bản khẩn, kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng. Ảnh: FBNV

"Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh, làm cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi thêm sâu sắc trong khi sức mua của họ đang giảm", văn bản nêu rõ.

Các đại diện doanh nghiệp còn mạnh dạn đề nghị, mức thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3% (giảm 2% so với hiện nay).

Trả lời PV. Dân Việt về mức tăng thuế này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc đưa ra nhận định cá nhân rằng: "Trong giai đoạn mà tất cả chúng ta đều quan tâm tới văn hóa thì những câu chuyện về tiền bạc không nên làm cản trở sự phát triển về về văn hóa. Theo luật cũ, mức thuế đang ở ngưỡng 5% nhưng theo dự kiến mới đang ở mức 10%, trừ các hoạt động cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Điều này dựa trên căn cứ của các nhà làm luật, họ thấy rằng mặt bằng chung của chúng ta về thuế vẫn là thấp so với thế giới. Thậm chí ở nhiều nước là 15 – 20%, nên mức 10% được cho là phù hợp với xu thế hiện nay. Nhưng cá nhân tôi cũng giống như các doanh nghiệp điện ảnh, chỉ nên giữ mức thuế là 5%, cũng như mong muốn có thêm nhiều tiếng nói tới Quốc hội vì điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là tiêu cực đối với ngành điện ảnh. Cần có môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa nghệ thuật, trong đó việc tăng giảm thuế rất quan trọng".

Hiện tại ở một số nước có ngành điện ảnh phát triển, việc ưu đãi thuế chiếm vai trò khá quan trọng. Theo Bangkok Post, bà Rachada Dhnadirek, Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan cho biết, cũng theo quy định mới, các đoàn làm phim quốc tế sẽ được Chính phủ Thái Lan miễn thuế đối với các khoản chi tiêu với mức tối đa là 75 triệu bạt. Mặc dù việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với diễn viên nước ngoài có thể sẽ khiến ngân sách Thái Lan thất thu 71,75 triệu bạt trong 5 năm tới, nhưng bù lại, thu nhập từ các đoàn làm phim nước ngoài trong khoảng thời gian này dự kiến lên tới 17,5 tỷ bạt.

Vì sao hàng loạt nhà sản xuất phim, đạo diễn gửi văn bản khẩn đến Chính phủ và Quốc hội? - Ảnh 6.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC

Trong thời gian qua, Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích cũng như giảm bớt các quy định để tìm cách thu hút và thúc đẩy hoạt động sản xuất phim của các đoàn làm phim nước ngoài tại quốc gia Đông Nam Á này.

Những nền điện ảnh lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Hàn Quốc… đều có nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án làm phim như miễn phí bối cảnh quay, hoàn tiền mặt đối với chi phí sản xuất, miễn giảm thuế... Tại Hoa Kỳ, gần 40 bang đã ban hành các biện pháp ưu đãi, cạnh tranh nhằm thu hút các đoàn làm phim đến quay tại địa phương. Theo báo cáo của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, bang North Carolina đã dành một khoản ưu đãi thuế lên tới 20 triệu USD cho ê kíp sản xuất bộ phim Iron Man 3, và cứ mỗi USD từ khoản tín dụng đó đã thu về gần 9 USD cho nền kinh tế, 6,50 USD đóng vào tổng sản phẩm của bang North Carolina.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh – đại diện công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) từng chia sẻ với truyền thông rằng chính sách ưu đãi về thuế là cần thiết, nên miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, thiết bị, phương tiện sử dụng trong công nghiệp điện ảnh. Ngoài ra, cần có thêm chính sách ưu đãi về đất đai như thuê diện tích tại các trung tâm thương mại kinh doanh rạp chiếu, cũng cần có ưu đãi nhất định với doanh thu từ hoạt động này của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để họ tích cực đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao hạ tầng phát triển cho điện ảnh.

Còn theo nhà sản xuất Trinh Hoan chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phầm văn học", ông cho rằng vừa rồi, dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi còn đề xuất tăng thuế VAT đối với các sản phẩm điện ảnh, thể thao tăng từ 5% lên 10%, tôi thấy không hợp lý. "Làm phim từ khi đầu tư đến khi thu lại vốn phải mất thời gian ít nhất là một năm. Nhà đầu tư bỏ ra 20 tỷ mà vì thuế phải lên 21 tỷ thì sẽ ngưng ngay, họ không đầu tư nữa. Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem lại Dự thảo Luật thuế VAT nếu không thì sẽ khó cho ngành điện ảnh, càng khó cho phim lịch sử, phim rủi ro cao. Nếu các nhà làm luật muốn điện ảnh phát triển đặc biệt là sản phẩm lịch sử, văn hóa phát triển thì phải xem lại việc tăng thuế VAT".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem