Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 4.500 lò gạch nung từ đất sét, thì tỉnh Vĩnh Long chiếm hơn phân nửa với 2.284 miệng lò, đang phải chuyển đổi sang công nghệ không nung. Tuy nhiên, thực trạng thiếu vốn, thiếu nhân lực trình độ khiến cho nhiều lò gạch công nghệ mới ở đây có nguy cơ khai tử.
Hàng ngàn lao động đang lo sốt vó vì nguy cơ thất nghiệp đang cận kề.
Xóa sổ “vương quốc gạch miền Tây” Hơn 1 năm qua, nguyên liệu làm gạch tăng vọt, khiến cho làng gạch nung ở Vĩnh Long đang dần chết vì phải đối mặt với gạch miền Đông giá rẻ đổ xô về. Nỗi lo phá sản làng nghề chưa biết tỏ cùng ai thì nay phải đối mặt với việc khai tử gạch nung. Anh Nguyễn Văn Hưng - một chủ lò gạch ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, Vĩnh Long ngao ngán: “Hàng ngàn lò gạch nung phải tháo bỏ, không biết hàng chục ngàn công nhân sẽ đi về đâu…”.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, nhà ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít đang lui cui xếp lại các chồng gạch, thật thà nói: “Nhà nghèo, không ruộng vườn, vợ chồng tôi đi làm gạch thuê đã hơn 5 năm, mỗi ngày thu nhập trên dưới 200.000 đồng, tằn tiện lắm mới lo được cho mấy đứa nhỏ ăn học. Tôi nghe đâu, đang có chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công để thay thế lò công nghệ mới. Nếu chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, công nhân tụi tôi có biết kỹ thuật đâu mà làm, kiểu này chắc mai mốt thất nghiệp quá”.
Ông Trương Thành Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cho biết: “Vấn đề chúng tôi lo nhất là việc làm. Nếu như năm 2010 toàn huyện có gần 16.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch, gốm, thì hiện tại chỉ còn khoảng 5.500 lao động làm việc trên lĩnh vực này. Nguyên nhân do các doanh nghiệp không cạnh tranh được về giá với những sản phẩm cùng loại ở Tây Ninh, Bình Dương, An Giang nên chỉ sản xuất cầm chừng. Nếu xóa bỏ lò gạch nung thì số phận của 5.500 lao động còn lại cũng tương tự.
Vĩnh Long hiện có 7 làng nghề sản xuất gạch, ngói, gốm mỹ nghệ được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống. “Nếu xóa bỏ gạch nung thì những làng nghề này cũng sẽ bị xóa trắng” - ông Trương Thành Phi nói.
Xóa cũng cần có lộ trìnhĐể giảm bớt phần nào thiệt hại của làng nghề, ngày 9.5.2013, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về lộ trình hạn chế xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Theo đó, sau năm 2020 mới tháo dỡ xóa bỏ 1.799 miệng lò trong cụm tuyến quy hoạch. Trong tờ trình, UBND tỉnh Vĩnh Long có đề xuất cho phép giữ lại các lò đã được cải tạo, đảm bảo môi trường theo công nghệ sản xuất tiêu chuẩn Việt Nam.
Có đề xuất này, vì hiện tỉnh Vĩnh Long đã và đang hình thành nhiều loại lò cải tiến như: 1 lò tuynel và 4 lò vòng (lò Hoffman). Thế nhưng, hiện các doanh nghiệp vẫn lo lắng vì dù đã đầu tư, lò vẫn bị coi là lò nung.
Chẳng hạn như Công ty TNHH Tân Mai, xã Chánh An, huyện Mang Thít đã đầu tư lò theo công nghệ Hoffman với chi phí khá cao. Công nghệ này tiết kiệm trên 60% lượng chất đốt, năng suất cao, lượng khí thải ra môi trường đạt yêu cầu. “Dù được cải tiến theo công nghệ hiện đại, chất lượng gạch cao, nhưng theo quy định thì sản phẩm của loại lò này vẫn xem là gạch nung, sẽ cấm xây dựng” - ông Bùi Hữu Mai – Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai, lo lắng.
“Nếu xóa trắng lò nung, đầu tư theo công nghệ mới thì cần tới 14 tỷ đồng/dây chuyền. Các doanh nghiệp hiện đang “đói” vốn, khó có thể đầu tư ngay khoản tiền này” - ông Phi nói.
Ngày 28.4.2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 567 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Theo đó, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ ngày 15.1.2013. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung đến hết năm 2015, sau năm 2020 phải sử dụng 100% gạch không nung.
|
Thực tế của Vĩnh Long, không chỉ có chủ lò cần hỗ trợ vốn mà còn cần cả chính sách đào tạo lao động đủ trình độ vận hành lò công nghệ tiên tiến, hỗ trợ việc tháo dỡ, xóa bỏ dự kiến 3 triệu đồng/miệng lò. Tổng nguồn vốn hỗ trợ cần khoảng 15 tỷ đồng.
Trong tờ trình gửi Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Diệp – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Việc chuyển đổi sang công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất vật liệu xây không nung và xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh là đúng nhưng đòi hỏi phải có lộ trình thích hợp, nguồn vốn ngân sách lớn để hỗ trợ chính sách chuyển đổi công nghệ, giải quyết việc làm hay chuyển đổi nghề (khi các cơ sở không đủ điều kiện chuyển đổi công nghệ). “Nguồn thu ngân sách của Vĩnh Long hạn chế, kính đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, thống nhất mục tiêu cụ thể và kế hoạch lộ trình để đảm bảo các chủ lò theo được và đảm bảo việc làm cho lao động” – ông Diệp kiến nghị.
Đức Khánh – Sơn Đông ( Đức Khánh – Sơn Đông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.