“Khai tử” Thép Sông Hồng: Toan tính của Việt Thành ở Thép Sông Hồng - Thép hay là Đất?

Quang Dân Thứ năm, ngày 24/02/2022 07:49 AM (GMT+7)
CTCP Đầu tư phát triển Việt Thành dưới thời bà Trần Thị Huệ Chi đã tham gia tái cơ cấu Thép Sông Hồng với mục tiêu đưa nhà máy cán thép trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau thời gian “sống lay lắt” Thép Sông Hồng đang được làm thủ tục giải thể công ty.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin tại bài viết “Khai tử” Thép Sông Hồng, Tổng Công ty Sông Hồng có bị mất vốn không?, Thép Sông Hồng đang làm thủ tục giải thể, Tổng công ty Sông Hồng (SHG) đứng trước nguy cơ mất trắng hơn trăm tỷ đồng đã đầu tư góp vốn vào công ty này.

Dù cho trước đó, Sông Hồng từng có kế hoạch thoái vốn khỏi công ty thép này vào tháng 5/2012.

Đến năm 2013, Sông Hồng quyết định tái cơ cấu Thép Sông Hồng theo hướng tăng vốn và giảm tỷ lệ sở hữu. Trong đó, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ (lần 1) và 450 tỷ đồng (lần 2), tỷ lệ sở hữu của Sông Hồng dự kiến giảm xuống tương ứng còn 29,14% và 22,67%.

Đến cuối năm 2015, Tổng công ty Sông Hồng cho biết Thép Sông Hồng đã tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 310 tỷ đồng, qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của tổng công ty xuống 32,9%.

Đáng chú ý, thời điểm Thép Sông Hồng tăng vốn cũng là lúc công ty này ghi nhận sự tham gia của cổ đông mới là Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Thành.

Với sự tham gia của Việt Thành vào Thép Sông Hồng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Thép Sông Hồng không những không được cải thiện, tài sản nhà xưởng kho bãi hơn 10 ha đất sạch ở ví trí đắc địa nằm phơi sương gió, mà Tổng Công ty Sông Hồng còn bị giảm vốn, mất quyền phủ quyết tại đây.

“Khai tử” Thép Sông Hồng: Toan tính của Việt Thành ở Thép Sông Hồng - Thép hay là Đất? - Ảnh 1.

Thương hiệu thép Shinkato không thể cứu nổi Thép Sông Hồng vốn đã lay lắt như ngọn đèn trước gió. Ảnh: Quang Dân

Toan tính của Việt Thành?

Ở thời điểm tháng 12/2015, nhà máy Thép Sông Hồng đang hoạt động trên diện tích hơn 10ha tại khu công nghiệp Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với công suất trên 180.000 tấn/năm. Bà Trần Thị Huệ Chi là chủ tịch HĐQT của Việt Thành. Việt Thành được giới thiệu là nhà đầu tư có vốn, có đối tác Nhật Bản.

Sự xuất hiện của Việt Thành phần nào đó đem lại cho Thép Sông Hồng "hy vọng" hồi sinh khi doanh nghiệp đã cho ra đời sản phẩm mới là Thép Shinkanto.

Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2015 – 2016, Thép Sông Hồng có các hợp đồng gia công chủ yếu cho Việt Thành, Việt Thành cũng là đối tác chính trong tiêu thụ sản phẩm của Thép Sông Hồng.

Tuy nhiên, dưới sự điều hành của cổ đông mới, hoạt động kinh doanh của Thép Sông Hồng cũng không khả quan hơn khi vẫn liên tục thua lỗ. Thậm chí, công ty còn nhiều lần bị vướng vào các vụ xử phạt và truy thu về thuế.

Cụ thể, tháng 12/2016, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Phú Thọ ra thông báo về việc vi phạm của Thép Sông Hồng thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký hoạt động…. Lý do, Thép Sông Hồng thuộc trường hợp bị cưỡng chết thi hành quyết định hành chính thuế.

Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng Công ty Sông Hồng cho thấy, dù cho sự tham gia của Việt Thành nhưng Thép Sông Hồng vẫn hoạt động cầm chừng và có những vi phạm liên tiếp về thuế và chậm nộp dần số tiền nợ thuế còn thiếu.

Điều này đặt ra hoài nghi về năng lực của Việt Thành cũng như toan tính của Việt Thành tại Thép Sông Hồng.

“Khai tử” Thép Sông Hồng: Toan tính của Việt Thành ở Thép Sông Hồng - Thép hay là Đất? - Ảnh 2.

Bên trong nhà máy Thép Sông Hồng đã dừng hoạt động từ lâu. Ảnh: Quang Dân.

Được biết, Việt Thành được thành lập vào năm 2011, với ngành nghề chính buôn bán kim loại và quặng kim loại.

Ở giai đoạn đầu Việt Thành có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, 70% vốn điều lệ của Việt Thành được nắm giữ bởi ông Phạm Trí Thành – người từng giữ chức Kế toán trưởng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tài chính của CTCP Chứng khoán Mê Kông (nay là Chứng khoán Pinetree). Vốn điều lệ của Việt Thành được nâng lên 600 tỷ đồng ở thời điểm tham gia tái cơ cấu Thép Sông Hồng. Vào giai đoạn tham giá tái cơ cấu Thép Sông Hồng, bà Trần Thị Huệ Chi giữ ghế chủ tịch Việt Thành.

Đáng nói, sau giai đoạn "cao trào" buôn thép năm 2015 – 2017, gắn liền với sự "hồi sinh" của Thép Sông Hồng, Việt Thành ghi nhận doanh thu năm 2017 hơn 90 tỷ đồng, lỗ hơn 700 triệu đồng. Năm 2018, Việt Thành thu hẹp hoạt động kinh doanh với doanh thu kinh doanh hơn 4 tỷ đồng, lỗ hơn 12 tỷ đồng. Năm 2019, Việt Thành không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào phát sinh.

Năm 2020, Việt Thành ghi nhận khoản doanh thu không có giá vốn 1,15 tỷ đồng. Dữ liệu cho thấy, phần lớn tài sản của Việt Thành tập trung khoản đầu tư tài chính vào các đơn vị khác.

Phải chăng, Tổng Công ty Sông Hồng đã lựa chọn sai đối tác chiến lược trong quá trình thực hiện tái cơ cấu Thép Sông Hồng, qua đó, không những không đưa nhà máy trở lại hoạt động liên tục mà còn không khai thác hiệu quả khối tài sản là kho bãi của Thép Sông Hồng, qua đó lỗ tiếp tục chồng lỗ.

Ông Phạm Trí Thành hiện là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của BVLand.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem