Lỗ lũy kế gần nghìn tỷ, Tổng công ty Sông Hồng tiếp tục rơi vào thế khó?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 16/08/2019 16:30 PM (GMT+7)
Theo báo cáo tài chính bán niên đã được soát sét của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết tháng 6/2019 của Sông Hồng vượt trên 940 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh kinh doanh “bi đát”, tổng công ty này phải thực hiện giảm vốn để hoàn trả một phần vốn góp của cổ đông Nhà nước.
Bình luận 0

Tổng công Sông Hồng vừa thông báo về việc thay đổi số lượng cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành.

Sau Gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty Sông Hồng cũng giảm vốn điều lệ

Theo đó, Tổng công ty Sông Hồng (SHG) đăng ký hủy 6.521.978 cổ phiếu đang lưu hành, từ 27 triệu cổ phiếu xuống còn 20.478.022 cổ phiếu tương ứng vốn điều lệ hơn 204,78 tỷ đồng.

Lý do, Tổng công ty giảm vốn để hoàn trả một phần vốn góp của cổ đông Nhà nước do Tổng công ty thực hiện chuyển Trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 số 44/NQ – ĐHĐCĐ ngày 19/5/2017.

Trên báo cáo tài chính quý II/2019 thể hiện, cơ cấu cổ đông của Tổng công ty tại thời điểm 30/6/2019, vốn góp của Nhà nước đạt hơn 132,41 tỷ đồng, chiếm 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.

img

Đây không phải là trường hợp duy nhất giảm vốn do hoàn trả vốn cho cổ đông Nhà nước. Trước đó, Gang thép Thái Nguyên (Tisco) khi Nhà nước rút 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên bằng cách giảm vốn điều lệ.

Đáng nói, việc rút vốn của cổ đông Nhà nước đều diễn ra trong bối cảnh Tổng công ty Sông Hồng và Tisco gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Riêng đối với Gang thép Thái Nguyên, sau khi cổ đông Nhà nước là SCIC rút 1.000 tỷ đồng (khoảng 100 triệu cổ phần) theo chỉ đạo của Thủ tướng, khiến quy mô vốn điều lệ của Tisco xuống còn 1.840 tỷ đồng, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp cũng xấu đi. Đồng thơi, tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) kéo dài trong nhiều năm.

Tính đến cuối quý II/2019, tình hình mất cân đối tài chính tại doanh nghiệp vẫn đáng báo động. Tổng tài sản giảm về 10.210 tỷ đồng (so với con số 10.573 tỷ đầu kỳ). Trong đó tài sản ngắn hạn đạt 3.018 tỷ đồng – tập trung phần lớn ở hàng tồn với gần 1.964 tỷ, phải thu hơn 697 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền vỏn vẹn 233 triệu đồng. Tài sản dài hạn 7.192 tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng dở dang chiếm hơn 5.234 tỷ đồng.

Tổng nợ Gang thép Thái Nguyên tính đến thời điểm 30/6 xấp xỉ 8.314 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với vốn chủ là 1.896 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay (ngắn và dài hạn) vào mức 5.268,5 tỷ đồng.

Kinh doanh "bi đát"

Quay trở lại với trường hợp của Tổng công ty Sông Hồng, doanh thu 6 tháng đầu năm Tổng công ty theo báo cáo tài chính bán niên đã được soát sét đạt 26,5 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ mức 2,6 tỷ của cùng kỳ năm 2018 xuống chỉ còn 106 triệu đồng (do không phát sinh khoản mục lãi bán đấu giá cổ phần). Trong khi đó, chi phí tài chính tăng hơn gấp đôi từ 12,5 tỷ lên 27,3 tỷ đồng, trên 96% là chi phí lãi vay. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 10 tỷ xuống còn 7 tỷ đồng.

Thu không đủ bù chi, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Tổng công ty Sông Hồng âm 32 tỷ trong nửa đầu năm nay. Cùng kỳ năm trước lỗ trước thuế của doanh nghiệp chỉ xấp xỉ 19 tỷ đồng.

img

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Tổng công ty Sông Hồng giảm 60 tỷ so với đầu kỳ, xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong dó, các khoản phải thu ngăn hạn chiếm 1/3 với 320 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn gần 299 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm nhẹ 20 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 1.123 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 195 tỷ đồng, toàn bộ là vay nợ ngắn hạn. Khoản vay này có tới 191 tỷ vay từ ngân hàng Đại Dương và 3,4 tỷ vay từ các cá nhân.

Hết quý II/2019, vốn chủ sở hữu âm 612 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm nhẹ hơn với 580 tỷ. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết tháng 6/2019 của Sông Hồng vượt trên 940 tỷ đồng.

Tổng CTCP Sông Hồng (UPCoM: SHG) thành lập năm 1958, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015.

img

Tuy nhiên, kể từ khi được cổ phần hóa năm 2009, Tổng công ty Sông Hồng ngập chìm trong 'vũng lầy' thua lỗ, ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi nhẹ vài trăm triệu đồng, Sông Hồng đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại.

Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, tổng công ty này liên tục báo doanh thu sụt giảm mạnh đi kèm với khoản lỗ khủng. Doanh thu giảm mạnh từ 693 tỷ đồng năm 2016 về 155 tỷ năm 2018; lỗ ròng lần lượt 49 tỷ, 188 tỷ và 56 tỷ giai đoạn 2015-2017. Riêng, năm 2018, công ty lỗ “đậm” với 388 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch SHG đề ra cho năm 2018 lỗ trước thuế chỉ 20,8 tỷ đồng.  Kế hoạch lợi nhuận âm là do Công ty phải chịu lãi vay của của món nợ xấu  nhóm 5 ngân hàng Oceanbank Hà Tĩnh cho món vay thi công dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát sinh từ năm 2011 với số tiền dư nợ gốc quá hạn gần 193 tỷ đồng. Theo đó, lãi phát sinh năm 2018 vào khoảng 26 tỷ đồng.

Tình hình tại Tổng công ty Sông Hồng bi đát đến mức Bộ Tài chính đã từng phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem