Khấm khá nhờ trồng lạc phủ nilon theo mô hình Hợp  tác xã

Lý Thịnh Thứ tư, ngày 13/03/2019 18:35 PM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang vừa triển khai thành công Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh lạc áp dụng biện pháp che phủ nylon, hỗ trợ xây dựng, củng cố HTX tại xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa)”.
Bình luận 0

Dự án đã giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế từ trồng lạc. Các hộ dân liên kết sản xuất hàng hóa theo mô hình HTX sẽ có nhiều lợi ích như giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán và lợi nhuận. Dự án được thực hiện từ tháng 9 - 12 .2018, với 30 hộ dân tham gia, trên tổng diện tích 13ha lạc áp dụng biện pháp che phủ nylon.

Trong quá trình triển khai, các cấp hội nông tỉnh, huyện, xã đã phối hợp chặt chẽ với HTX Nông, lâm nghiệp xã Phúc Sơn. Cán bộ khuyến nông hỗ trợ nông dân từ tập huấn kỹ thuật thâm canh lạc, áp dụng biện pháp che phủ nylon và chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại; cung ứng giống, phân bón, vật tư cho các hộ.

img

Cán bộ khuyến nông huyện Chiêm Hóa trao đổi về thâm canh lạc áp dụng biện pháp che phủ nilon với người dân thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn. Ảnh:  Lý Thịnh

Bà Ma Thị Đan, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn vui mừng cho biết: Hơn 20 năm trồng lạc nhưng đây là vụ đầu tiên gia đình bà được áp dụng kỹ thuật thâm canh lạc bằng che phủ nylon trong sản xuất vụ đông. Kỹ thuật mới này có nhiều ưu điểm so với cách canh tác cũ: Dễ thực hiện, rút ngắn thời gian khoảng 10 ngày, giảm công chăm sóc, khắc phục tình trạng cây trồng bị khô hạn vào mùa đông, năng suất cao hơn. Vụ này gia đình bà trồng 3.000m2, ước sẽ thu được gần 2 tấn lạc tươi, với giá bán 15 nghìn/kg giúp gia đình có khoảng thu 30 triệu đồng. Mức thu nhập đó cao hơn nhiều so với trồng cây ngô, rau màu khác trong sản xuất vụ đông.

Qua đánh giá, dự án đã giúp tăng năng suất lạc đạt khoảng 6,4 tấn lạc củ tươi/ha (tương đương 3,2 tấn lạc khô/ha), cao hơn so với các ruộng lạc không áp dụng che phủ nylon. Từ đó, giúp tăng thu nhập cho nông dân hơn 3 triệu đồng/ha so với những cách canh tác truyền thống.

Ông Lý Đức Hà - Phó Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp Phúc Sơn chia sẻ, thông qua dự án giúp HTX nâng cao năng lực trong liên kết nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. HTX phát huy vai trò chủ động tổng hợp nhu cầu của bà con và cung ứng giống, vật tư cho bà con theo yêu cầu. Từ đó, giúp giảm chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...). Đồng thời, HTX đại diện cho bà con ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm lạc với Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên.

Theo ông Lý Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thành công của dự án trên khẳng định vai trò liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân trong sản xuất hàng hóa. Người nông dân có thêm thu nhập, từng bước thay đổi tập quán canh tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác. HTX Nông, lâm nghiệp xã phát huy vai trò kết nối tổ chức sản xuất, làm dịch vụ cung ứng giống, phân bón, vật tư và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem