1. Làng Nghi Tàm được sử sách nói đến từ thời Lý. Công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông mến cảnh đẹp Hồ Tây nên xin vua cha cho mang theo mấy cung nữ ra đây và mọi người tập nghề trồng dâu nuôi tầm rồi lập ra trại tằm tang vì thế mới có tên Nghi Tàm. Cũng thời Lý, Nghi Tàm còn được gọi là cánh đồng bông vì ở đây trồng nhiều loại hoa cung cấp cho dân chúng dâng hoa lên chùa.
Thế kỷ 17, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng một bến tắm ở Nghi Tàm. Mùa Hè, chúa đưa các cung nữ lên đây tắm và nghỉ ngơi. Khi bơi hồ, Trịnh Giang bắt các cung nữ không được mặc quần áo. Bơi xong chúa lên bờ vào phòng tắm, các cung nữ kỳ cọ và lau khô người chúa rồi mặc quần áo. Chính tại bến tắm này thời Lý, Trần và đầu nhà Lê gọi là bến trúc Nghi Tàm, một trong bát cảnh của Hồ Tây. Khi đó Nghi Tàm trồng một giống trúc vàng tên là trúc ngà xung quanh làng. Từ xa trông hàng ngàn, hàng vạn cây đứng trước gió, ánh sáng chiếu vào ánh lên màu vàng rất đẹp.
Đầu thế kỷ 19, Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn có bài thơ chữ Hán Dâm Đàm cán ty (Cảnh Dâm Đàm chuội tơ) viết về người giặt tơ tằm ở làng Nghi Tàm:
Dâm đàm thủy sắc chính liên y,
Kiều thượng quan hoàn cán trạc thì.
Thái triệt long ca phô luyện chữ,
Cẩm hồi thước phố dục hà ky.
Tầm tang sinh lý tâm thường khiết,
Tích lịch kỳ phương thủ bất qui.
Hà xứ sương châm hàn đảo nguyệt,
Sầu nhân thanh đáp cán hồ ty.
Phạm Trọng Chánh dịch và chú giải như sau: Dâm Đàm, đầm sương mù là một tên khác của Hồ Tây. Có làng Nghi Tàm, do thời Lý nhà vua Lý Thánh Tông cho thải bớt số cung nữ trong cung, gả chồng cho ra đây làm nghề nuôi tằm dệt lụa. Sắc nước Dâm Đàm gợn lên lăn tăn. Đứng trên cầu xem chuội lụa. Màu thắm hang rồng phô nơi bến lụa. Gấm vây bãi Thước, giặt tại ghềnh Ngân. Tằm dâu lẽ sống, mình thường trong sạch (ngày xưa khi phụ nữ thời kỳ có kinh nguyệt không đụng chạm đến tơ tằm). Sấm sét phép lạ mà tay chẳng sần (dịch chữ “tích lịch kỳ phương”, ý nói tiếng đập giũ lụa vang như sấm sét mà tay chẳng chai sần). Chày sương nơi nao lạnh lùng nện trăng. Tiếng chuội tơ trên hồ đáp lại làm não lòng người.
Chùa Kim Liên bên Hồ Tây, một di tích của làng Nghi Tàm xưa. Ảnh: Tư liệu
Ngoài nghề tằm tang, dân Nghi Tàm còn có nghề bắt cá, sâm cầm ở Hồ Tây. Trong bài Tụng phú Tây Hồ, Nguyễn Huy Lượng viết: “Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”.
Làng tằm tang, làng hoa xưa là nơi sinh ra nhà thơ nữ nổi tiếng của kinh thành Thăng Long - Bà Huyện Thanh Quan, chỉ một bài thơ Đèo Ngang cũng đủ xếp bà vào hàng những nhà thơ lớn cuối thế kỷ 19.
2. Nghề tằm tang dần lụi bại rồi mất hẳn. Năm 1925, Nghi Tàm bắt chước Yên Phụ trồng hoa Tây bán cho các cửa hàng hoa trong phố. Ngoài trồng hoa, Nghi Tàm cũng ươm cây giống, nuôi cá cảnh và uốn cây thế. Nghề uốn cây cảnh do cụ Ba Điếc học được ở chùa Trại (tức chùa Xiển Pháp ở phố Cát Linh ngày nay), trại do một người Tàu lập ra bên trong trang trí bồn hoa cây cảnh. Cụ Ba Điếc làm công ở đây, học mót mang về phổ biến cho bà con trong làng. Nhưng vì làng ít đất, vì vậy nghề uốn cây thế không đủ sống nên người làng đi vào phố làm công nhân. Nghề nuôi cá cảnh thì học của Yên Phụ.
Nhạc sĩ Thanh Tùng có ca khúc Chuyện cổ Nghi Tàm, đây là một trong những sáng tác cuối đời của ông. Ca khúc với những lời hát:
Ngày xưa có một ngôi làng
Bên bờ Hồ Tây tên là Nghi Tàm
Ngày nắng nắng thơm mùi ổi găng
Chiều hôm gió nồng nàn hoàng lan
Mũ rơm thời sơ tán
Xuân Đỉnh rồi Xuân La
Nhật Tân ngày gom súng
Vẫn đỏ rực màu hoa
Mũ rơm thời sơ tán
Em về về ngoại ô
Thương binh về an dưỡng
Phà Chèm nhiều ô tô
Nắng trưa không rát mặt
Mưa bom dội trên đầu…
Tuổi xanh dành cho đất nước
Chứ tuổi hồng dành cho nhau
Ngày xưa có một ngôi làng
Ngôi làng nên thơ tên là Nghi Tàm
Ngày nay có một con đường
Con đường thênh thang tên là Nghi Tàm
Ngày nắng không bóng cây nào chở che
Ngày mưa nước lọt vào chân đê
Phố cao còn cao mãi
Nối dài tận đầu ô
Bờ đê giờ xuống cấp
Hóa thành đường ôtô…
Ca từ cũng không xuất sắc, nhưng có nhạc vào thì bỗng khác hẳn, da diết, buồn buồn nhưng không ủy mị làm cho người nghe hình dung về một Nghi Tàm xưa đẹp đẽ trong trẻo và nuối tiếc vì một Nghi Tàm ngày nay đã đổi thay nhiều.
Thanh Tùng quê Nha Trang. Năm 6 tuổi theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên trên đất Nghi Tàm cha mẹ ông công tác ở Trại An dưỡng dành cho cán bộ miền Nam. Ông kể Chuyện cổ Nghi Tàm viết về tình yêu, nhưng nó nghiêng về sự chiêm nghiệm:
“Chuyện cổ Nghi Tàm là ký ức đầy ắp của tôi. Ngày ấy, đê Nghi Tàm nằm sát hồ Tây, có hàng ổi găng dọc đường. Tôi và bà xã cùng đi học, đội mũ rơm. Tôi thường leo lên đó hái ổi đầy mũ rơm, hai đứa cùng ăn. Chiều đi học về, hai đứa ngồi ngắm hồ, yêu đó mà không dám nói”.
Lớn lên, ông đi học nhạc ở Triều Tiên. Trở về nước, ông cưới cô gái đó và sống ở Nghi Tàm một thời gian. Sau ngày thống nhất đất nước, ông rời Nghi Tàm vào Nam. Sau này thành danh, nhạc sỹ đã nhiều lần quay lại để gặp những người quen cũ. Nghe nói, ông còn tài trợ cho một trường học nơi này.
Thực ra không riêng Thanh Tùng lấy vợ Hà Nội. Rất nhiều đàn ông miền Nam tập kết làm việc ở trại An dưỡng Nghi Tàm làm rể vùng này, có người trai tân nhưng cũng không ít người đã có vợ con trong Nam. Đàn ông trong chiến tranh là mì chính cánh. Sau 1975, có ông về quê rồi lặn mất tăm nhưng cũng có ông ở lại Nghi Tàm, Tây Hồ, Yên Phụ cho đến hôm nay.
Nghi Tàm thời nay chật chội, nhiều công trình lớn cùng nhà cửa mọc lên san sát. Dù vẫn là một vùng đất đẹp và được xem là khu đất “vàng” ở Hồ Tây, nhưng những giá trị xưa của làng cũng đã dần mai một. Cánh đồng bông xưa, nay còn sót lại một vài mảnh vườn trồng hoa nho nhỏ.
“Cánh đồng bông”, nơi vua chúa du ngoạn nghỉ ngơi
Làng Nghi Tàm trước đây cùng với làng Quảng Bá, Tây Hồ cùng thuộc xã Quảng An, đến năm 1995, thì xã Quảng An trở thành một phường thuộc quận Tây Hồ. Thời nhà Lý, cả vùng này trồng hoa nên còn gọi là cánh đồng bông. Vì là đất cổ nên Quảng An cũng là nơi sinh ra nhiều truyền thuyết và khi đạo Phật bắt đầu ngấm sâu thì ở đây xuất hiện chùa.
Thời Lý, Trần, Hoàng thành ở bên kia Hồ Tây và vùng đất này có khí hậu mát mẻ, lại có nhiều thắng cảnh nên vua chúa dựng cung, xây điện làm nơi du ngoạn nghỉ ngơi. Đến thời Hậu Lê, Hồ Tây vẫn là nơi nghỉ ngơi của vua chúa. Lê Tương Dực (1509-1516) mà sử gọi là vua lợn ngoài, ăn chơi sa đọa đã bắt cung nữ trút bỏ váy áo ở trần chèo thuyền giả làm tiên nữ ở Bến Trúc của Nghi Tàm.
Đến đời Mạc, vua Mạc Mậu Hợp dựng thêm cung nghỉ mát ở Quảng Bá. Việc hưng công Viện Nghinh xuân đã bắt hàng trăm lao động phục dịch chuyên chở đá, nung gạch ngói làm hàng năm mới xong. Trong cuộc chiến Trịnh - Mạc, Thăng Long là bãi chiến trường vì thế lâu đài cung điện của họ Mạc cũng tan tành.
Đến thời vua Lê chúa Trịnh, dù chúa cho xây phủ ở phía Nam Hồ Gươm nhưng Hồ Tây vẫn là nơi các chúa yêu thích. Trong Thượng kinh ký sự, Hải Thượng Lãn Ông kể, khi ông ra Thăng Long chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh và các quan đại thần, thần y đã lên cơ ngơi của họ ở khu vực Nghi Tàm, Quảng Bá và Tây Hồ, “Dinh nào cũng rộng và lớn, phải có lính dẫn vào mới không lạc”.
Thời nhà Nguyễn, Hà Nội phát triển mạnh về phía Đông nên khu vực này trở nên vắng vẻ. Câu “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài tịch bóng dương” trong bài Thăng Long thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan không chỉ nói về thành Hà Nội trước triều Nguyễn hoang buồn mà còn muốn nói lâu đài ở vùng Bắc Hồ Tây từ lâu đã không còn vết dấu bánh xe ngựa của tầng lớp quyền quý về đây.
Thế thời thay đổi, suốt nửa thế kỷ Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ cũng không xây dựng công trình văn hóa nào ở khu vực này ngoài việc đắp đê Nhật Tân và Yên Phụ. Trong bản quy hoạch Hà Nội được toàn quyền Đông Dương thông qua năm 1943, các làng quanh Hồ Tây lại được quy hoạch trở thành khu du lịch, họ đã nhận ra giá trị riêng có của vùng đất này.
Sau 1954, xã Quảng An thành lập các hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất hoa, rau, quất. Sau những năm 1990, đô thị hóa diễn ra nhanh vì Quảng An được cho là nơi ở và nghỉ ngơi lý tưởng. Người ta gọi khu vực này là làng Tây.
|
(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến (Thể Thao & Văn Hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.