Nằm trong hoạt động "Đưa nông dân Việt Nam xuất sắc đi nước ngoài tham quan, học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao" thuộc chuỗi các sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 do Trung ương Hội Nông dân chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt được giao trực tiếp thực hiện.
Ngày 27.10, đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc do ông Phan Huy Hà, Phó Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt làm trưởng đoàn đã ghé thăm và trải nghiệm cuộc sống của người dân TP Đài Trung thông qua việc tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên hồ Nhật Nguyệt
Tại khu vực Hồ Nhật Nguyệt (Nhật Nguyệt Đàm), Đoàn đã có chuyến trải nghiệm thú vị trên du thuyền vòng quanh hồ để ngắm tháp Cihen; Văn Võ Miếu (Wen Wu Temple); khách sạn “sơn son thiếp vàng” nơi cố lãnh đạo Đài Loan - ông Tưởng Giới Thạch và bà Tống Mỹ Linh từng sinh sống - giờ trở thành một trong những khách sạn đắt đỏ nhất thế giới... Cảnh sông nước hữu tình, thấp thoáng không gian kiến trúc cổ của Trung Hoa đã tạo nên vẻ yên bình cho Hồ Nhật Nguyệt.
Món trứng hầm nấm linh chi - một đặc sản của người dân bản địa ven Hồ Nhật Nguyệt
Theo người dân bản địa kể lại, vùng Nhật Nguyệt Đàm trước kia chỉ có dân tộc Shao (Thao) sinh sống. Trong quá trình săn bắt, họ phát hiện giữa đàn hươu màu vàng có một con hươu màu trắng. Cánh thợ săn đã đuổi theo đàn hươu đến hồ Nhật Nguyệt thì mất dấu. Phát hiện đàn hươu chui vào hang, khi họ đục hang thì phát hiện ra hồ Nhật Nguyệt. Do đó, người Shao cho rằng, đây là linh vật dẫn đường chỉ lối cho họ đến vùng nước bình yên này để an cư lạc nghiệp, vì vậy người dân nơi đây đã thờ tượng con hươu trắng ở đảo La Lỗ giữa hồ Nhật Nguyệt.
Cùng lắng nghe về lịch sử phát triển của người dân tộc Shao
Câu chuyện về con hươu trắng cũng gắn liền với câu chuyện tình đẹp của ông Tưởng Giới Thạch và bà Tống Mỹ Linh. Chuyện kể rằng khi đó bà Mỹ Linh bị ung thư, trong những ngày sức khỏe sa sút, bà được ông Tưởng Giới Thạch đưa về nghỉ dưỡng vùng ven Hồ Nhật Nguyệt. Cũng từ đây, vị trưởng tộc của dân tộc Shao đã dùng nhau thai của hươu trắng chưng cất và nấu thành loại thuốc quý để cứu sống bà Tống Mỹ Linh. Nhờ vậy, đến nay dân tộc Shao được chính quyền cho phép săn bắn thú rừng để làm thuốc trị bệnh, đồng thời cũng được hái nấm linh chi để bán cho du khách.
Thưởng thức trà nấm linh chi - một đặc sản của người dân tộc Shao
Đặc biệt, người đàn ông dân tộc Shao cũng được chính quyền cho phép lấy nhiều vợ một cách hợp pháp. Một “đặc quyền” duy nhất mà chính phủ Đài Loan cho phép đối với người dân tộc Shao mà có lẽ nhiều du khách nam đến nơi này đều trầm trồ, ao ước...
Thuyền cập bến, chúng tôi vào thăm một cửa hàng bán đặc sản của người dân tộc Shao. Bà Cheng - một người phụ nữ người bản địa giới thiệu cho khách phương xa đôi nét về dân tộc mình: Shao là một trong 14 bộ tộc ít người ở Đài Loan, định cư ở khu vực hồ này từ bao đời nay. Công việc chính của họ là săn bắn và thú rừng hái thuốc. Trước đây, làng chỉ có 280 người. Do chính quyền cấm hôn nhân cận huyết thống, đồng thời khuyến khích thanh niên lấy vợ người ngoài cộng đồng nên đến nay dân số của làng đã tăng lên gần 700 người.
Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Nụ hóa thân thành người phụ nữ dân tộc Shao chịu thương chịu khó...
Sau khi nghe kể về những nét văn hóa truyền thống của người Shao, Đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc đã cùng những thanh niên người dân tộc Shao nhảy múa, ca hát và thưởng những những sản phẩm trà linh chi thiên nhiên do những người đàn ông Shao lấy được nơi mẹ rừng...
Nông dân Việt Nam xuất sắc Phạm Văn Động bên gian hàng nông sản đặc sản của người dân tộc Shao
Với quan điểm của người Shao, chỉ những người đàn ông may mắn và “có duyên” nhất mới có thể tìm kiếm được những cây nấm linh chi tốt nhất từ mẹ rừng.
Cũng tại cửa hàng này, ngoài bán các đặc sản nấm linh chi, người dân tộc Shao còn bán cả thuốc trị đau nhức và nhiều loại thuốc dân gian khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.