Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng (hồ Dầu Tiếng) được xây dựng từ năm 1981, đưa vào vận hành khai thác từ năm 1985.
Với dung tích thiết kế 1,58 tỷ m3 nước, hồ Dầu Tiếng được thiết kế để phục vụ đa mục tiêu, là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam là đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng. Ông Trần Quang Hùng - Tổng giám đốc công ty cho biết, việc quản lý công trình đang gặp nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp với nhiều loại hình thời tiết cực đoan, dị thường ảnh hưởng đến hồ Dầu Tiếng.
Đặc biệt, tỷ lệ rừng đầu nguồn bị suy giảm ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy. Tình trạng vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình vẫn diễn biến phức tạp, trong khi hành lang thoát lũ thì bị thu hẹp.
Mặt khác, công trình đưa vào vận hành, khai thác đến nay đã 40 năm, máy móc thiết bị cũ lạc hậu. Nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp do thời gian và mưa bão. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp và bảo trì các hạng mục công trình còn hạn hẹp chưa đồng bộ.
Để đảm bảo an toàn công trình, năm 2022, Bộ NNPTNT giao Công ty triển khai dự án sửa chữa, nâng cao chất lượng an toàn đập hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn hơn 400,5 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng và thiết bị hơn 307,9 tỷ đồng); triển khai bằng nguồn vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 do Bộ NNPTNT quản lý.
Dự án có mục tiêu bảo đảm an toàn công trình, nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt (Tây Ninh, TP.HCM và Bình Dương); cho nông nghiệp và công nghiệp; góp phần cải tạo cảnh quan môi trường; nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi.
Đến nay, giai đoạn thực hiện dự án đã hoàn thành khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Riêng phần xây lắp, nhiều hạng mục sửa chữa, gia cố đạt và vượt tiến độ. Tỷ lệ giải ngân toàn dự án đạt 45,7%; phần xây lắp đạt 45,5%.
Theo ông Hùng, các hạng mục thi công của dự án đều có tính cấp bách vì điều kiện thi công phụ thuộc vào mực nước hồ, chế độ vận hành, vừa phải đảm an toàn công trình nên có nhu cầu vốn kịp thời để giải ngân.
Năm 2024, Công ty đã được Bộ NNPTNT cấp vốn đợt 1 cho dự án là 70 tỷ đồng. Hết quý II/2024, Công ty giải ngân 66,5 tỷ đồng, đạt 95%.
Kế hoạch thi công từ nay đến cuối năm 2024 ước đạt 189,4 tỷ đồng.
Vì thế, Công ty kiến nghị Bộ NNPTNT, Vụ Kế hoạch, Cục Thủy lợi phê duyệt cấp vốn đợt 2, bổ sung cho dự án thêm 95 tỷ đồng trước quý III/2024 để đảm bảo đủ số vốn giải ngân, thực hiện hoàn thành các gói thầu, ông Hùng đề xuất.
Trong buổi làm việc mới đây với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam tại tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi ghi nhận các kiến nghị, đề xuất.
Đồng thời, ông Phong cho biết sau El Nino, năm 2024 sẽ đối mặt với La Nina. Dự báo về tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm tiếp tục khó lường, nguy cơ mưa bão đến sớm và mức độ cao hơn mức bình thường.
Cục Thủy lợi cho biết, hồ Dầu Tiếng hiện đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa, đặc biệt là hệ thống tràn và van xả lũ. Dự kiến tới tháng 8 chỉ có 3/5 van xả lũ đưa vào vận hành.
Để đảm bảo an toàn hồ đập; ngoài việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa, ngành thủy lợi cũng cần sớm phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Bản đồ này sẽ giúp các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai trong tình huống khẩn cấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.