Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân; ông Ngô Tiến Chương - Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo còn có sự góp mặt của hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi tôm, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, trong đó bao gồm nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp với tôm – lúa…, với sản lượng thu hoạch bình quân trên 280.000 tấn/năm.
"Kế hoạch năm 2024 của tỉnh là 243.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD/năm. Song thực tế cho thấy lợi nhuận cho doanh nghiệp và người nuôi tôm còn rất thấp", ông Bằng nói và cho biết, đây được xem như là những thách thức lớn cho nghề nuôi tôm ở địa phương.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau Theo, trong 10 tháng năm 2024, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt trên 200.000 tấn (đạt 82,30% so với kế hoạch, tăng 2,02% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 968 triệu USD (bằng 87% so với kế hoạch, tăng trên 12% so với cùng kỳ).
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cũng cho biết, theo dự báo 3 tháng cuối năm 2024 có nhiều điều bất lợi cho nghề nuôi tôm như thời tiết, môi trường, dịch bệnh trên tôm có nguy cơ bùng phát. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tuân thủ đúng quy trình nuôi để đảm bảo lợi nhuận cao nhất.
Trình bày tại hội thảo, Cục Thú y cho biết, thời gian qua công tác thú y được UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hơn, huy động các ngành chức năng của địa phương hỗ trợ, phối hợp với ngành thú y tổ chức phòng bệnh, xử lý dịch bệnh chủ động hơn, hiệu quả hơn.
Nhiều bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt, không để các bệnh nguy hiểm trên tôm xâm nhiễm vào trong nước (bệnh do DIV1, Taura, đầu vàng, hoại tử gan tụy NHP, teo gan tụy HPD, hoại tử cơ IMN).
Đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ đã được áp dụng có hiệu quả vào nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực thú y.
Tuy nhiên, Cục Thú y cho rằng còn nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, diễn biến thời tiết cực đoan, tiêu cực, khó dự báo tiếp tục diễn ra tại nhiều vùng nuôi gây thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản và thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu xảy ra đối với ngành hàng tôm nuôi nước lợ…
Cục Thú y cũng cho biết, trong kế hoạch công tác năm 2025, Cục tiếp tục tổ chức triển khai Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030 và chỉ đạo của Bộ tại công văn số 7361/BNN-TY ngày 01/10/2024 về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí PCDB năm 2025.
Ngoài ra, Cục Thú y cũng đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố chủ trì, rà soát việc tổ chức xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, hướng dẫn của Cục Thú y; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí đủ nguồn lực để chủ động sử dụng, hỗ trợ người nuôi khi có dịch bệnh phát sinh và triển khai các hoạt động chuyên môn trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh theo đúng mùa vụ sản xuất, bảo đảm hiệu quả…
Riêng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NNPTNT (Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Thủy sản, các Viện nghiên cứu NTTS) phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y trong các hoạt động đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh thủy sản; rà soát và đánh giá kết quả nghiên cứu về bệnh thủy sản; chia sẻ kết quả để phổ biến, hướng dẫn người nuôi thực hiện phòng chống bệnh hiệu quả, an toàn.
Cục Thú y cũng cho rằng, dịch bệnh thủy sản còn diễn biến phức tạp, nhiều nước tăng cường giám sát dịch bệnh để tạo ra các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhiều cơ sở không xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở theo đúng yêu cầu chuyên môn, tiềm ẩn nguy cơ bị các nước cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản.
Do vậy, để chủ động trước các yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm theo quy định của WOAH.
Cục Thú y yêu cầu các cơ sở sản xuất, ương dưỡng thủy sản giống cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh ngân sách nhà nước hỗ trợ, đề nghị người nuôi chủ động bố trí kinh phí và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở nuôi của mình. Thực hiện nghiêm các quy định về khai báo dịch bệnh; sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt; quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản nhận định, vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp.
Theo ông Luân, hiện tại, lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn...
Tại hội thảo, các đại biểu cũng quan tâm đến các vấn đề như kiểm dịch chất lượng con giống, mùa vụ, mật độ nuôi…, và dự báo tình hình tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu, để nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu con tôm và thu nhập cho người nuôi tôm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.