Khánh Hòa: Buông lỏng quản lý bảo vệ rừng tại xã Suối Tân
Khánh Hòa: Buông lỏng quản lý bảo vệ rừng khiến Thủ tướng phải chỉ đạo, lãnh đạo xã chỉ bị phê bình
Công Tâm
Thứ tư, ngày 17/03/2021 13:24 PM (GMT+7)
Do thiếu trách nhiệm trong quản lý lâm nghiệp, để xảy ra tình trạng xâm phạm, chặt phá cây rừng trái phép tại tiểu khu 231 nên UBND xã Suối Tân bị phê bình.
Ngày 17/3, nguồn tin từ UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm đã phê bình UBND xã Suối Tân, do thiếu trách nhiệm trong quản lý lâm nghiệp, để xảy ra tình trạng xâm phạm, chặt phá cây rừng trái phép tại tiểu khu 231.
Theo đó, UBND huyện Cam Lâm vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện về việc xử lý tình trạng chặt phá đất rừng tại tiểu khu 231. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm - bà Lê Phạm Thủy Ngân, đã phê bình UBND xã Suối Tân.
Được biết việc phá rừng, xâm hại rừng ở xã Suối Tân kéo dài từ 2016 tới nay. Hiện lãnh đạo huyện chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với Công ty TNHH - TMDV Mỹ Hằng và các hộ dân lân cận đang canh tác tại tiểu khu 231 để thống nhất trong việc xây dựng phương án bảo vệ rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, tiếp tục tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, không để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh đó, huyện đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm phối hợp với UBND xã Suối Tân trong việc kiểm điểm, xác minh để làm rõ vụ việc phá rừng. Riêng Phòng Nội vụ xem xét phản hồi kiến nghị của UBND xã Suối Tân về việc cho hợp đồng thêm cán bộ phụ trách lâm nghiệp để thường xuyên thực hiện tuần tra.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Cam Lâm tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, chấn chỉnh việc thực hiện công tác bảo vệ rừng tại xã Suối Tân và các phòng, ban liên quan; không để tình trạng phá rừng trái pháp luật tái diễn trên địa bàn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cán bộ trực thuộc để xảy ra tình trạng phá rừng, gửi báo cáo về kết quả xử lý về UBND tỉnh trước ngày 31/3/2021.
Liên quan vấn đề trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hưng, người quản lý bảo vệ rừng của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ Mỹ Hằng, đơn vị được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép triển khai dự án Khu du lịch sinh thái dã ngoại kết hợp kinh tế trang trại, trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã khoanh nuôi bảo vệ rừng, song có nhiều đối tượng vẫn lén lút chặt, đốt rừng lấy than và trồng cây chuối, xoài. Đơn vị đã bắt quả tang nhiều lần, ghi lại hình ảnh gửi các cơ quan chức năng, tuy nhiên vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Trước đó, các cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng phá rừng, đốt than, làm nương rẫy của một số đối tượng tại khu vực này. Cùng với đó, việc thiếu chặt chẽ trong phân loại rừng, công tác bảo vệ, quản lý rừng dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chặt phá, xâm hại để trồng chuối, xoài...
Tại tiểu khu 231, núi Đá Hang, một khoảng rừng tự nhiên tái sinh rất lớn vừa bị đốn hạ. Hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 20 – 40 cm vừa bị cưa hạ ngổn ngang; xung quanh là hàng loạt cây gỗ nhỏ, chất thành đống chuẩn bị cho vào lò đốt than.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hằng -Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Mỹ Hằng cho biết: Rừng khu vực núi Đá Hang là nguồn tài nguyên quý hiếm, gồm cây rừng từ nhóm 1 đến nhóm 8 và thảm thực vật rất phong phú nên các loại khỉ, vọoc chà vá, vọoc đuôi dài... về ở khá nhiều. Đơn vị được chính quyền địa phương giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc 355 ha rừng tái sinh tự nhiên tại đây khoảng 15 năm.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH TM-DV Mỹ Hằng, việc xâm hại phá rừng diễn ra từ năm 2016 và đơn vị đã gởi đơn, báo chính quyền địa phương để xử lý, cứ thế rừng mất dần. Vụ phá rừng, xâm hại rừng mới đây nhất và đơn vị phát hiện vào dịp Tết năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.