Khánh Hòa: Cảnh báo dòng rút “tử thần” trên bãi biển

Thứ bảy, ngày 25/05/2013 19:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang, bãi biển Nha Trang, bãi Dài (Cam Lâm) hình thành nhiều dòng RIP (còn gọi là dòng rút) tạo xoáy, nhấn chìm và kéo người tắm biển ra xa, gây đuối nước.
Bình luận 0

Thông tin kể trên là kết quả quá trình nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang. Tuy nhiên, việc cảnh báo cho người dân, du khách về dòng rút chưa được quan tâm đúng mức...

Phát hiện nhiều dòng rút tử thần

Tiến sĩ Lê Đình Mầu – Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài điều tra, đánh giá hiện tượng dòng rút cho biết, đề tài đã phát hiện ra nhiều dòng rút tại các bãi tắm: Hòn Chồng (Hòn Chồng - Hòn Xện); Nha Trang (cầu Trần Phú - mũi Chụt); bãi Dài (bãi Cù Hin – sân bay Cam Ranh, thuộc huyện Cam Lâm), trong đó bãi Dài có hiện tượng dòng rút điển hình nhất thế giới.

img
Đồ họa mô phỏng dòng rút “tử thần”.

Theo thống kê, từ 2004 – 2010, tại bãi biển Nha Trang đã xảy ra 174 trường hợp đuối nước, làm chết 20 người; tại khu vực bãi Dài (Cam Lâm) đã có 25 người chết đuối khi tắm biển. Từ tháng 10.2012 đến nay, tại bãi biển Nha Trang đã xảy ra 5 trường hợp chết đuối khi tắm biển và lực lượng cứu hộ đã cứu khoảng 30 trường hợp. Bờ biển Trần Phú (Nha Trang) độ dốc tương đối lớn và độ sâu đột ngột nên dễ hình thành dòng rút từ bãi tắm đến đáy, gây nguy hiểm cho người tắm mùa biển động.

Đáng lưu ý, khu vực bờ kè Hòn Chồng (đường Phạm Văn Đồng, Nha Trang) có 2 vùng nguy hiểm, trong đó tại vị trí đầu phía nam kè Ba Làng (bờ biển trước Nhà sáng tác Nha Trang) tồn tại một dòng rút “tử thần” cố định vô cùng nguy hiểm.

Nếu bị dòng nước cuốn trôi

Hãy bình tĩnh, không nên sợ hãi

Không bơi ngược dòng nước vào bờ

Hãy thoát khỏi dòng nước về hai phía, sau đó bơi vào bờ

Nếu không thoát được, hãy bơi xuôi tự do theo dòng nước

Nếu cần cứu hộ, hãy gọi to hoặc vẫy tay báo hiệu

Để đảm bảo an toàn

Nên biết cách bơi phòng tránh

Không nên bơi một mình

Nếu còn do dự, không nên xuống tắm

(Viện Hải dương học)

Tại đây, đã xảy ra 5 vụ chết đuối với 3 sinh viên, 1 sĩ quan, 1 thanh niên địa phương. “Dọc bờ kè có một rạn san hô chạy song song, nhưng ở vị trí này san hô đã bị phá một đoạn. Khi sóng đập vào bờ kè ở những vị trí khác thì nước bị san hô cản lại tạo bọt trắng xóa. Riêng vị trí này thì nước dồn vào đoạn hở do san hô bị phá mà thoát ra biển, tạo thành một dòng rút cố định rất mạnh. Người dân thấy đoạn này êm sóng, xuống tắm là bị dòng rút nhấn chìm, kéo tuột ra xa...” – tiến sĩ Mầu nói.

Tại bãi Dài xuất hiện nhiều dòng rút điển hình “mạnh và lớn” trên toàn bãi dài gần 12km. Các dòng rút còn nguy hiểm cả mùa biển lặng do chúng duy trì đến tận tháng 4, có thể gây nguy hiểm cho người không biết bơi.

Thiếu cảnh báo, cứu hộ yếu

Theo kết quả nghiên cứu, các bờ biển Nha Trang, bãi Dài đều không có bất cứ biển báo, phao cảnh báo nào. Hệ thống phao cảnh báo ngoài biển quá thưa và xa (cách nhau 250m, cách bờ 150-200m). Toàn tuyến bãi biển Nha Trang chưa có một nhà chòi cứu hộ nào, các trung tâm chỉ huy cứu hộ thì cách xa bãi biển.

Công tác cứu hộ bãi biển chưa chuyên nghiệp, chưa được trang bị đủ và đúng trang thiết bị. Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang chỉ có 28 đội viên, phụ trách suốt bãi biển dài gần chục cây số, đội cứu hộ bãi Dài chỉ có 6 người đảm nhận 12km bờ biển... Đề tài đã đề xuất tổ chức tuyên truyền về dòng rút; lắp đặt hệ thống phao cảnh báo, biển/cờ cảnh báo, chòi cứu hộ... tại các bãi biển. Tăng biên chế các đội cứu hộ bờ biển lên gấp đôi; lắp biển, cờ cảnh báo khổ lớn, cố định tại các vị trí nguy hiểm...

Tháng 2.2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định công bố ứng dụng đề tài này, giao cho Sở KHCN Khánh Hòa phối hợp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn phòng tránh dòng rút. Giao cho Sở VHTTDL cùng các cơ quan ban ngành xây dựng các biện pháp cảnh báo phù hợp nhằm bảo đảm an toàn cho người dân…

Nhưng đến nay, các đề xuất trên vẫn chưa được thực hiện. Ngày 23.5, bà Lê Thị Diệp Thảo – Phó phòng, phụ trách phòng Quản lý khoa học Sở KHCN Khánh Hòa cho biết, Sở đang lên kế hoạch nhằm thống nhất kinh phí, dự kiến tháng 6 mới bắt đầu thực hiện việc tuyên truyền, tập huấn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem