Khánh thành nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam

Đình Thông - Lam Khê Thứ năm, ngày 17/09/2015 16:09 PM (GMT+7)
Đây là nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy lớn nhất cả nước, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Bình luận 0

Sáng 17.9, tại thôn Hải Phong xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và cắt băng khánh thành Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Đây là nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy lớn nhất nước do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là tổng thầu EPC. Nhà máy có tổng công suất 1.200MW với 2 tổ máy, đã đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 từ ngày 31.12.2014 và tổ máy số 2 từ ngày 12.5.2015.

img

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và chủ đầu tư cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh, dự án có công suất tổ máy lớn, sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp tiên tiến, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ môi trường, than cho nhà máy là than nội địa và than cám với lượng tiêu thụ 2,9 triệu tấn/năm. Đây là một trong số ít các dự án đạt mức nội địa hóa 30%, trong đó có gói thầu tỷ lệ nội địa hóa lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất.

Đến nay, nhà máy đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 3 tỷ kWh. Hằng năm, nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống khoảng 7,2 tỷ kWh, góp phần đáp ứng nhu cầu của khu vực nói chung và hệ thống điện quốc gia nói riêng. Doanh thu của nhà máy dự kiến khoảng 7.000 đến 8.000 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào tổng doanh thu của tập đoàn, thu ngân sách Trung ương và địa phương.

img

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng thành công Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có ý nghĩa rất quan trọng, đây là nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng than trong nước là chính. Lần đầu tiên chủ đầu tư, tổng thầu EPC đều là doanh nghiệp của Việt Nam, thực hiện chủ trương phát huy nội lực, trong đó cơ khí chế tạo, lắp máy là lĩnh vực chính. Cùng với khuyến khích đầu tư nước ngoài các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam từ chỗ thiếu điện, đến nay đã có thừa công suất 20-25% để dự phòng. Thủ tướng  đánh giá cao, biểu dương cán bộ, kỹ sư công nhân Việt Nam trưởng thành, có thể tự làm được các nhà máy thủy điện, nhiệt điện bằng than, bằng khí.

img

Tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Formosa trong ngày khánh thành.

Cũng trong sáng 17.9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi kiểm tra tiến độ Dự án Formosa và dự Lễ khánh thành Tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Formosa có công suất 150 MW được khởi công xây dựng từ tháng 12.2013. Sau gần 2 năm thi công, lắp đặt thiết bị và chạy thử, đến ngày 28.4.2015, Tổ máy số 1- Nhà máy Nhiệt điện Formosa  đã vận hành và hoà lưới điện thành công.

img

Một góc nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.

Đây là một trong 5 tổ máy nhiệt điện được Formosa triển khai trong giai đoạn đoạn 1 của dự án xây dựng Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương với tổng công suất 650 MW. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, các tổ máy sẽ cung ứng 470 MW phục vụ các hạng mục luyện thép và 180 MW còn lại sẽ được hòa lưới điện quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem